Bến phà trị giá hơn 2,3 tỷ đồng của hộ gia đình anh A Hiếu. Ảnh: Quang Thái/TTXVN |
Trước đây gia đình A Hiếu (SN 1970) cũng nghèo, gia đình có đến 4 người con nên cuộc sống rất vất vả. Nhờ mạnh dạn đăng ký theo học các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất mà gia đình anh A Hiếu đã thoát nghèo.
Hai vợ chồng anh A Hiếu đã vượt sông Pô Kô từ Kon Gung, Đăk Hà sang Hơ Moong, Sa Thầy khai hoang trồng cà phê. Giờ đây, 5 ha cà phê đã giúp gia đình A Hiếu không những thoát nghèo mà còn có của ăn của để.
Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh A Hiếu rất trăn trở trước thực tế người dân hai xã Kon Gung và Hơ Moong phải vượt quãng đường 50 km vòng qua Đăk Tô để đến rẫy, nhiều người còn phải ở lại rẫy đến cuối tuần mới về nhà, trong khi đó 2 xã chỉ cách nhau có một khúc sông.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh A Hiếu quyết định mua chiếc phà với giá 1,1 tỷ đồng đưa người dân và hàng nông sản qua sông. Nhưng ở Tây Nguyên không có bến đăng kiểm tàu thuyền, phải về tận Cà Mau để đăng kiểm. A Hiếu đã đi đến các bến tàu ở Bình Định, Đà Nẵng thậm chí xuống tận miền Tây như Cần Thơ, Cà Mau để học hỏi kinh nghiệm lái tàu, phà.
Người dân trong thôn rất vui mừng khi bến đò A Hiếu hoạt động, anh A Trúc, làng Kon Gung, cho biết: Người dân hai xã Đăk Mar và Hơ Moong biết ơn anh A Hiếu nhiều lắm, nhờ có bến đò của anh A Hiếu mà người dân qua lại làm rẫy thuận tiện hơn.
Cứ mỗi đợt khách qua lại anh A Hiếu thu 10.000 đồng/chiếc xe máy, với những trường hợp ngoại lệ anh chỉ thu 5.000 đồng/xe , còn với giáo viên vượt sông đi dạy thì anh A Hiếu chỉ thu 15.000 đồng/xe máy cho 2 chiều đi và về. Có khi nửa đêm, có người dân ở xã Hơ Moong gọi điện thoại cho anh A Hiếu nhờ đưa người bị ốm qua sông để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Lần đó nhờ có anh A Hiếu đưa phà vượt sông kịp thời mà bệnh nhân đã được cứu sống. Từ đó, anh A Hiếu làm luôn cái nhà nhỏ cạnh bờ sông cùng 2 cái bảng ghi số điện thoại đóng ở hai bên bờ sông để những lúc khẩn cấp, có người gọi là anh A Hiếu sẵn sàng có mặt, đưa người qua sông.
Có lần anh A Hiếu bị một số đối tượng xấu dụ dỗ vận chuyển ma túy từ Hơ Moong về Đăk Mar với giá tiền rất cao, nhưng anh đã kiên quyết từ chối hoặc có lúc có những đối tượng xấu đánh nhau chạy qua bến sông nhờ anh A Hiếu chở qua sông để trốn lực lượng chức năng đang truy bắt, anh A Hiếu cũng nhất quyết không cho lên phà.
Anh A Hiếu cho biết: Anh làm nghề đưa phà này, trước là giúp gia đình mình có thu nhập ổn định, sau là giúp đồng bào qua sông làm rẫy được thuận tiện và vận chuyển hàng hóa nông sản về bán dễ dàng hơn. Đêm hôm anh chẳng bao giờ tắt máy điện thoại, đề phòng có người cần qua sông.
Tháng 5/2016, anh A Hiếu vay ngân hàng thêm 1 tỷ đồng cùng với tiền của gia đình, mua thêm 1 chiếc phà lớn giá 1,2 tỷ đồng và 1 chiếc nhỏ hơn giá 500 triệu đồng phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân hai xã Đăk Mar và Hơ Moong bên lưu vực sông Pô Kô.
Giá vận chuyển 1 chiếc xe hàng trọng tải 14 tấn A Hiếu lấy giá 300.000 đồng cho cả 2 chiều đi, về. Mua thêm phà, A Hiếu thuê thêm 2 người lái với giá 6 triệu đồng/tháng/người. Trừ các khoản chi phí, thu nhập từ công việc đưa phà của A Hiếu mang về cho gia đình anh khoảng 30 triệu đồng/tháng vào 4 tháng mùa thu hoạch nông sản.
Gia đình anh A Hiếu còn trồng 2 ha cao su, 2 ha mỳ, 1 ha bời lời, 1,3 ha cây điều, chăn nuôi 5 con bò, gần 100 con gà và 0,5 ha ao nuôi cá, trong nhà còn có xe máy kéo cho thuê. Tổng thu nhập của gia đình A Hiếu sau khi trừ chi phí khoảng 600 triệu đồng/năm. Anh A Hiếu còn trang bị đầy đủ áo phao cho khách đi phà và bình chữa cháy tại bến phà.
Theo ông Phạm Văn Trụ, Chủ tịch UBND xã Đăk Mar, anh A Hiếu là một công dân gương mẫu ở địa phương. Bến phà của anh A Hiếu đã giúp người dân 2 xã của huyện Đăk Hà và Sa Thầy đi lại được thuận tiện hơn rất nhiều.
Anh A Hiếu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng 2 Bằng khen, UBND tỉnh Kon Tum tặng 3 Bằng khen vì đạt nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.