Nhiều điểm trên Quốc lộ 28 bị xói mòn nghiêm trọng. |
Chẳng hạn, Quốc lộ 28 nối dài (trước đây là Tỉnh lộ 4) có chiều dài khoảng 110 km, bắt đầu từ thị xã Gia Nghĩa, qua huyện Đắk G’long, Krông Nô và nối với đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jut). Đây được xem là tuyến tránh của đường Hồ Chí Minh và có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội các huyện vùng sâu, vùng xa của Đắk Nông.
Tuyến đường đã được đầu tư mở rộng từ năm 2008 với quy mô đường cấp 4 miền núi và đưa vào sử dụng từ năm 2012. Hiện nay, Quốc lộ 28 đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Toàn tuyến hiện có hàng trăm đoạn bị băm nát, mặt đường xuất hiện vô số ổ voi, ổ trâu và khi trời nắng thì bụi mù; trời mưa thì lập tức trở thành các “ao” sâu bẫy người đi đường. Đặc biệt, đoạn đường khoảng 40km từ thị trấn Đắk Mâm (huyện Krông Nô) đến xã Quảng Sơn (huyện Đắk G’long), nhiều đoạn lớp nhựa và nền đường bị bong tróc hoàn toàn, mặt đường xuất hiện các vết sạt lở, sụt lún sâu.
Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng đường hư hỏng, xuống cấp đã xuất hiện từ năm 2013, tức là không lâu sau thời điểm nghiệm thu, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ đó tới nay, mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần sửa chữa nhưng đường vẫn “nát như tương”.
Không riêng Quốc lộ 28, nhiều tuyến tỉnh lộ ở tỉnh Đắk Nông như: Tỉnh lộ 1, 2, 3, 4B…cũng nằm trong tình trạng tương tự. Chẳng hạn, Tỉnh lộ 1 (dài 36km) là tuyến đường giao thông huyết mạch đi qua địa bàn 2 huyện Đắk R’lấp và Tuy Đức, nối thông ra cửa khẩu Bu Prăng để giao thương với nước bạn Campuchia. Tuyến đường này được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2001, theo quy chuẩn đường cấp 4 miền núi, mặt đường rộng 3,5m. Thời gian đưa vào sử dụng quá lâu, lại thiếu vốn duy tu bảo dưỡng nên tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tại trên toàn tuyến, mặt đường bong tróc, nhiều chỗ tạo thành “ao sâu” khi mưa xuống khiến việc lưu thông gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Theo Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn hiện có 3 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài hơn 410km; 6 tuyến tỉnh lộ với chiều dài khoảng 226km. Hiện nay, nhiều tuyến đường, nhất là các tuyến tỉnh lộ đã xuống cấp nghiêm trọng làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguyên nhân là do các tuyến này được đầu tư từ lâu, hết niên hạn sử dụng nhưng thiếu kinh phí để trùng tu, nâng cấp. Mặt khác, lưu lượng xe không ngừng tăng cao cũng khiến cho các tuyến đường xuống cấp nhanh chóng.
Ông Võ Văn Hùm, Giám đốc, Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, để khắc phục tình trạng xuống cấp trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cần phải có nguồn vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh phí hàng năm do tỉnh, Trung ương bố trí để bảo trì các tuyến tỉnh lộ không đáp ứng nhu cầu thực tế, chỉ đáp ứng được 15 - 20% theo tiêu chuẩn quy định. Chẳng hạn, năm 2017, qua kiểm tra rà soát ước tính cần khoảng hơn 40 tỷ đồng để bảo dưỡng các tuyến tỉnh lộ, nhưng đến tháng 7, Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh mới bố trí được 8 tỷ đồng để sửa chữa các tuyến Tỉnh lộ 1,2,3. Riêng đối với tuyến Quốc lộ 28 nối dài, cuối năm 2016, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương bố trí cho tỉnh Đắk Nông gần 30 tỷ để duy tu, sửa chữa. “Do nguồn vốn hạn hẹp nên sở chỉ sửa chữa cục bộ các đoạn tuyến hư hỏng nặng, xung yếu để bảo đảm giao thông”, ông Hùm nói.
Cũng theo ông Võ Văn Hùm, hiện nay một số tuyến có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng như Tỉnh lộ 1, Tỉnh lộ 2…cần được nâng cấp, mở rộng nhưng do nguồn lực hạn chế nên tỉnh chưa thể triển khai. Vì vậy, trước mắt, Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương phân bổ thêm kinh phí để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo trì trên các tuyến tỉnh lộ. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng để các công trình giao thông đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, phát huy tối đa hiệu quả trong quá trình khai thác sử dụng.
Về lâu dài, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu, các nguồn vốn ODA, ADB, vốn trái phiếu Chính phủ và huy động thêm các nguồn lực khác vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.