Nông dân đầu nguồn mở đồng đón lũ

Thời điểm này, mặc dù, giá lúa lên cao nhưng các nông dân huyện Hồng Ngự - địa phương đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp vẫn chọn cách cho đất “nghỉ ngơi”, không mạo hiểm xuống giống vụ Thu Đông, bởi mùa nước nổi đã sắp bắt đầu. Thay vào đó, nông dân đã tiến hành mở đồng sẵn sàng đón lũ lấy phù sa với hơn 9.000 ha sản xuất đất nông nghiệp ở các ô đê bao không an toàn trên địa bàn huyện.

Chú thích ảnh
Người dân huyện Hồng Ngự mở cống xả lũ đón phù sa (ảnh tư liệu).

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, lũ năm 2020 khu vực đầu nguồn và nội đồng Đồng Tháp ở mức xấp xỉ năm 2019 và thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,1 - 0,3m. Đỉnh lũ cao nhất năm tại khu vực đầu nguồn sẽ xuất hiện vào cuối tháng 9 đầu tháng 10/2020, ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, dao động ở mức báo động cấp I đến cấp II. 
    
Là nơi nước lũ tràn vào đồng sớm nhất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, bà con nông dân sản xuất lúa ở ấp 3, xã Thường Phước 1 đã tuân thủ không xuống giống vụ Thu Đông và chủ động mở cống chờ con nước. Mặc dù, không sản xuất lúa nhưng những ngày qua ông Phạm Văn Bút cùng nhiều nông dân sản xuất liền kề ở khu vực này vẫn thường xuyên thăm đồng để theo dõi mực nước mỗi ngày mong con nước lên nhanh và tràn vào đồng.

Ông Bút chia sẻ, sau 2 vụ sản xuất Đông - Xuân, Hè - Thu, 20.000 m2 đất canh tác của ông sẽ được xả lũ để tiêu diệt những con côn trùng, tất cả các mầm bệnh. Theo ông Bút, là nơi đầu nguồn nên nguy cơ thiệt hại rất cao nếu sản xuất tự phát trong thời gian lũ về. Thêm vào đó, sản xuất ba vụ liên tiếp, đất không có thời gian “nghỉ ngơi” dễ bị bạc màu, chai cứng. Mặt khác, khi tiến hành vụ mới, chi phí đầu vào sẽ tăng nhưng lúa không phát triển tốt, dẫn đến năng suất vụ Đông Xuân không cao.

Bà con đầu nguồn chia sẻ, trước mở miệng cống dẫn nước vào, nông dân còn thực hiện cày xới đất. Đây là giải pháp “hồi sức” cho đất, vì cày sâu, xới kỹ sẽ giúp đất tơi xốp hơn, vì phù sa được cung cấp sâu vào đất.

Ông Phan Xết Nhiều, Phó chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho biết, ngay từ đầu năm, địa phương đã xây dựng kế hoạch không sản xuất lúa vụ Thu Đông. Trong kế hoạch, thời gian mở đồng xả lũ được thực hiện từ ngày 15/8. Hiện các diện tích trên địa bàn, nông dân đã thu hoạch dứt điểm vụ Hè Thu, tất cả bà con nông dân cũng đang trông chờ nước để có lượng phù sa bồi đắp sản xuất tiếp vụ Đông Xuân.

Ông Nguyễn Hoàng Nhung, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự thông tin, trên địa bàn huyện có diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 11.000 ha. Trong năm 2020, huyện Hồng Ngự chủ trương chỉ thực hiện sản xuất vụ Thu Đông tại khu đê bao 2.600 ha ở xã Thường Phước 2 và Thị trấn Thường Thới Tiền; đồng thời, tiến hành xả lũ hơn 9.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Trên các ô bao xả lũ, huyện đã cho mở tất cả các cống để đón nước tràn đồng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nói thêm, đến thời điểm hiện tại, đối với tất cả các khu xả lũ lấy phù sa, người dân đã thu hoạch dứt điểm các trà lúa và người dân đã tuân thủ khuyến cáo không sản xuất vụ Thu Đông tự phát như các năm trước.

Ngành nông nghiệp vẫn thực hiện kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là kiểm tra các khu không chủ trương xuống giống thì thường xuyên kiểm tra với Ủy ban nhân dân xã để kịp thời nắm tình hình, vận động tuyên truyền người dân thực hiện theo đúng chủ trương của huyện.

Tin, ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Đưa nước hồ An Khê và Ayun Hạ về mực nước đón lũ
Đưa nước hồ An Khê và Ayun Hạ về mực nước đón lũ

Tối 31/10, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai đã ký 2 lệnh vận hành hồ chứa về việc vận hành xả nước qua tràn hồ An Khê và Ayun Hạ để đưa mực nước 2 hồ này về mực nước đón lũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN