Trừ chi phí, mỗi sào ớt mang về cho mỗi hộ gia đình vài chục triệu đồng/vụ; người nông dân có thêm niềm tin vào cây trồng mới đem lại năng suất và giá trị kinh tế cao.
Những ngày này, vườn ớt của gia đình anh Lý Văn Diết ở bản Liên Hợp, xã Pắc Ta chín đỏ rực. Vợ chồng anh Diết đã huy động thêm nhân lực trong gia đình để hái ớt; người thì cầm xô, người cầm rổ, tay nhanh thoăn thoắt để hái ớt. Anh Diết phấn khởi nói: " Gia đình mình trồng 1.200 m2 ớt chỉ thiên.
Thời gian này nắng nhiều, ớt chín nhanh hơn, vì vậy, gia đình mình ngày nào cũng được thu hái ớt. Vụ ớt năm nay, mình bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 3 và bán được trên một tấn ớt. Hiện, quả xanh trên cây vẫn còn rất nhiều, dự kiến mình thu hoạch thêm được vài tạ nữa. Mình thấy trồng ớt đem lại thu nhập cao hơn so với trồng cây nông nghiệp khác, mình sẽ duy trì gắn bó lâu dài với cây ớt.".
Còn với gia đình chị Bàn Thị Mấy cũng ở bản Liên Hợp, xã Pắc Ta tranh thủ từng ngày để thu hoạch ớt. Với hơn 1.500 mét vuông ớt chỉ thiên, chỉ địa của gia đình chị đã cho thu hoạch hơn 2 tấn ớt kể từ đầu vụ cho đến nay. Chị Mấy vui vẻ chia sẻ, năm nay ớt chín đến đâu, chị thu hoạch đến đó, quả ớt đẹp thì giá bán cũng được cao hơn. Còn nếu để ớt chín quá, trọng lượng giảm và giá bán cũng giảm. Toàn bộ ớt của gia đình hái đến đâu, đơn vị thu mua luôn đến đó với giá 16.000 đồng/kg ớt chỉ thiên và 7.000 đồng/kg ớt chỉ địa.
Theo chia sẻ của các hộ dân nơi đây, trồng ớt tuy vất vả, mất nhiều công hơn so với các cây trồng truyền thống như lúa, ngô, nhưng bù lại, ớt cho thu hoạch dài hơn, một vụ có thể thu hái mấy lứa. Nếu ớt sai quả, một sào sẽ cho thu hoạch đến cả tạ ớt mỗi lứa. Giá bán ớt cao, ổn định, cho thu nhập gấp 4-5 lần so với cấy lúa trên cùng diện tích.
Ông Hoàng Văn Phanh - Phó Chủ tịch UBND xã Pắc Ta cho hay, hiện nay, toàn xã có 11ha ớt chỉ thiên, chỉ địa trồng ở các bản Tân Bắc, Liên Hợp, Bó Lun. Trên đà vụ ớt năm nay được mùa, được giá và có cam kết bao tiêu sản phẩm của hợp tác xã thu mua, xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân các bản mở rộng diện tích trồng ớt trên đất cấy lúa một vụ, cây hoa màu kém hiệu quả. Từ đó, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại giá trị kinh tế, thu nhập cho bà con.
Hiện nay, không chỉ ở Pắc Ta mà nhiều địa phương khác trong huyện Tân Uyên như: thị trấn Tân Uyên, xã Nậm Cần, Trung Đồng, Mường Khoa… bà con cũng đang thu hoạch ớt. Sự hối hả của bà con với đôi tay thoăn thoát hái ớt, bước chân dảo bước khiêng những bao ớt và nụ cười luôn nở trên gương mặt ướt đẫm mồ hôi. Dường như, niềm vui được mùa, được giá ớt đã xua tan đi bao mệt nhọc của người nông dân “chân lấm, tay bùn” nơi đây.
Toàn huyện Tân Uyên hiện có hơn 50ha ớt được trồng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; trong đó, có 40ha đã và đang cho thu hoạch. Ước năng suất bình quân của ớt chỉ địa đạt 40 tấn/ha với giá 7.000 đồng/kg, doanh thu 280 triệu đồng/ha/vụ. Đối với ớt chỉ thiên, năng suất bình quân ước đạt từ 22-27 tấn/ha, với giá 16.000 đồng/kg, doanh thu trên 360 triệu đồng/ha/vụ.
Hiện nay, Hợp tác xã Nông dược Phương Nam là đơn vị duy nhất ký kết bao tiêu sản phẩm cho 236 hộ trồng ớt trên địa bàn huyện Tân Uyên. Theo đó, Hợp tác xã hỗ trợ cung ứng giống, phân bón cho các hộ theo hình thức trả chậm; tăng cường cử cán bộ xuống hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng bệnh sao cho cây ớt sinh trưởng, phát triển tốt cho thu hoạch với năng suất cao. Hiện tại, Hợp tác xã chia ra các điểm thu mua ớt, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trồng ớt không mất công vận chuyển từ xã lên tới trung tâm huyện để bán.
Ông Phan Văn Ngũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông dược Phương Nam cho biết, từ đầu vụ cho đến nay, Hợp tác xã đã thu mua hơn 360 tấn ớt của bà con. Ớt tươi đem về, Hợp tác xã cho người phân loại, ớt đẹp đem xuất bán ra thị trường, ớt xấu hơn thì đem phơi khô. Trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã xuất bán 3-4 tấn ớt tươi cho các thương lái và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Nông sản Vĩnh Cửu (Bắc Ninh), Công ty TNHH thực phẩm Vạn Đức Phúc (Hải Dương) với giá 22.000 - 25.000 nghìn đồng/kg; Hợp tác xã còn tích được khoảng 2 tấn ớt khô.
Sau một thời gian đưa vào trồng thử nghiệm, đến nay, cho thấy cây ớt phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Tân Uyên. Mặt khác, cây ớt đã và đang khẳng định cho thu nhập cao hơn so với các cây trồng trước đây. Đây là tiềm năng, lợi thế để huyện nhân rộng mô hình trồng ớt trên địa bàn.
Huyện Tân Uyên sẽ quy hoạch vùng trồng ớt tại các xã, thị trấn trên địa bàn để tạo chuỗi liên kết bền vững, nhằm tránh việc nhân dân thấy lợi nhuận trồng ồ ạt, khó kiểm soát dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”.
Cùng đó, huyện luôn đồng hành với Hợp tác xã trong các khâu sản xuất, nhất là chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân tham gia trồng ớt. Từ đó, tạo ra sản phẩm ớt có chất lượng cung ứng ra thị trường; giúp người nông dân có thêm thu nhập từ những mùa ớt.