Đồng thời, vai trò của chủ rừng và UBND các huyện, xã trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng ngày càng được nâng cao; sự phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với các chủ rừng, các địa phương, lực lượng vũ trang chặt chẽ và thường xuyên, đạt nhiều kết quả tích cực...
Phát huy hiệu quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh, cần quản lý chặt chẽ diện tích rừng hiện có, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; có kế hoạch cụ thể đối với từng địa phương trong việc di dời, sắp xếp người dân sinh sống ở trong khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng. Ngoài ra, các chủ rừng cần thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng; rà soát, xử lý các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất lâm nghiệp.
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền pháp luật, quán triệt, nghiên cứu, cập nhật các văn bản quy định của pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện tham mưu tốt cho UBND cấp huyện trong việc rà soát quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 để điều chỉnh trong chu kỳ quy hoạch mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, việc phối hợp giữa các đơn vị trong quản lý bảo vệ rừng cần phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn nữa. Đặc biệt là tổ chức triển khai các nội dung trong kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng, phân công cụ thể từng thành viên trong ban chỉ huy để kịp thời chỉ đạo, điều hành khi mùa khô sắp đến. Trên lĩnh vực phát triển rừng cần khai thác tốt tài nguyên đất lâm nghiệp; cải tạo chất lượng cây giống, kêu gọi đầu tư, nghiên cứu các mô hình sản xuất kết hợp có hiệu quả, quan tâm phát triển kinh tế gỗ khu vực rừng ngập mặn…
Chỉ tính riêng trong năm 2020, tỉnh Cà Mau đã trồng mới 506 ha rừng; trồng rừng sau khai thác trên 3.000 ha, trồng rừng thay thế 4,2 ha; trồng 3 triệu cây phân tán; khoanh nuôi tái sinh rừng đặc dụng 100 ha; bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ trên 49.000 ha; chăm sóc rừng trồng trên 10.000 ha. Tổng diện tích rừng khai thác 3.800 ha, đạt 90% kế hoạch; sản lượng đạt gần 350.000 m3.
Diện tích rừng trồng lên liếp có chất lượng cao ở U Minh Hạ khoảng 22.300 ha; giá trị thu nhập trên đất rừng, chủ yếu rừng sản xuất khoảng 1.200 tỷ đồng. Qua đó, giá trị và năng suất gỗ rừng trồng hiện nay đã tăng lên 2 - 3 lần so với năm 2015.
Đặc biệt, việc trồng rừng theo phương pháp thâm canh và chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất cao ở khu vực U Minh Hạ đã phát huy được hiệu quả. Hầu hết diện tích đất sản xuất kết hợp không hiệu quả đã được người dân tận dụng cho phát triển rừng có trữ lượng cao, trung bình từ 150 - 250 m3/ha.
Mùa khô năm 2019 – 2020 thời tiết diễn biến khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt nhưng do các đơn vị chủ rừng chủ động, thực hiện tốt các nhiệm vụ và biện pháp phòng chống cháy rừng đúng theo phương án, kế hoạch. Lúc cao điểm có đến 43.000 ha diện tích rừng ở mức báo động cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), nhưng chỉ có 6 vụ cháy với diện tích 1,53 ha và mức độ thiệt hại không lớn.
Hiện, Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên trên 522.000 ha; trong đó, diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp do các đơn vị quản lý trên 164.600 ha, diện tích có rừng tập trung khoảng 96.500 ha. Nhằm để phát triển diện tích rừng và nâng cao độ che phủ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết thêm, theo kế hoạch, ngành đã xây dựng kế hoạch tổ chức trồng rừng mới, trồng bổ sung rừng phòng hộ và trồng rừng thay thế với tổng khối lượng trên 312 ha. Mục tiêu là nâng cao độ che phủ của rừng và cây phân tán đến cuối năm 2021 đạt 26,2%.
Bên cạnh đó, nhằm để thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về việc trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm (tương đương 5 triệu ha rừng), nhằm cải thiện môi trường tự nhiên, Cà Mau sẽ nâng cao độ che phủ của rừng và cây phân tán đến năm 2025 đạt 27%. Tổng khối lượng thực hiện là phải trồng trên 29 triệu cây xanh, tương đương 10.892 ha.