Huy động sự góp sức
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở ở Tây Bắc đã tích cực huy động sự tham gia của đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng vào việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân.
Người có uy tín đã phối hợp với tổ an ninh nhân dân, vận động con cháu, gia đình, dòng họ ký cam kết phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, cung cấp nhiều tin quan trọng, giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm gây rối trật tự xã hội.
Hội nghị tập huấn tuyên truyền phòng, chống tội phạm và ma túy, HIV/AIDS gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới khu vực phía Bắc và tuyên truyền an toàn giao thông cho người có uy tín, già làng, trưởng bản tại tỉnh Cao Bằng do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức ngày 23/11/2016. Ảnh: Quân Trang - TTXVN |
Không những đi đầu trong công tác vận động quần chúng nhân dân, người có uy tín còn tiên phong trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần cần cù, sáng tạo và giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, mong muốn được cống hiến cho gia đình và xã hội, nhiều người có uy tín là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, động viên con cháu, vận động bản làng tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến độ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình điển hình trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy phong trào xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc: Có cơ chế trợ cấp cho người có uy tín Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quy định cụ thể về định mức kinh phí thực hiện chính sách người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thống nhất trên toàn quốc, làm cơ sở cho các địa phương căn cứ thực hiện. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, bổ sung, sửa đổi các chính sách về người có uy tín phù hợp với thực tiễn cơ sở. Ban hành quy chế, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của người có uy tín và hướng dẫn cơ sở trong việc phát huy vai trò, nhiệm vụ của người có uy tín ở địa phương. Có cơ chế trợ cấp hàng tháng cho người có uy tín (theo mức từ 0,2 - 0,5 mức lương tối thiểu chung/người/tháng) để hỗ trợ chi phí đi lại, tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin giữa người có uy tín với cấp uỷ, chính quyền. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách về người có uy tín ở các địa phương để phát hiện những điểm chưa thống nhất giữa các đơn vị về sử dụng kinh phí cũng như cách thức thực hiện để kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh; phối hợp lồng ghép các giải pháp thực hiện các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh ở vùng Tây Bắc. |
Hưởng ứng thực hiện Chương trình cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, người có uy tín trên khắp các địa bàn không những là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế mà còn là những tuyên truyền viên tích cực, vận động người thân, cộng đồng tham gia, nhiệt tình ủng hộ, hiến hàng ngàn mét vuông đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi, xây dựng thuỷ điện.
Bà Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, người có uy tín trên địa bàn Tây Bắc đã huy động được nhiều nguồn lực trong dân để xây dựng nhà văn hóa, tu sửa lại trường học, khai hoang ruộng, phát triển trang trại sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Họ luôn đi đầu trong việc tìm hiểu những biện pháp, cách làm, nhằm khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu của vùng, mạnh dạn tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất; mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cộng đồng và làm giàu cho gia đình.
Trong cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, người có uy tín đã đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền vận động người dân, hiểu và tham gia để phong trào này trở thành việc làm tự nguyện, định kỳ hàng năm, tham gia đóng góp để hỗ trợ làm mới và sửa chữa hàng ngàn ngôi nhà “Đại đoàn kết”; hỗ trợ học sinh nghèo được đến trường, hỗ trợ giống cây, giống con, góp phần giúp cho người nghèo có điều kiện xóa đói giảm nghèo.
Thực tế cho thấy, người có uy tín là hạt nhân tích cực, giúp các ngành chức năng vận động quần chúng tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, thành lập cụm liên kết về an ninh trật tự ở địa bàn giáp ranh, tham gia các câu lạc bộ pháp luật ở các xã, bản, khu dân cư; trực tiếp tham gia và giải quyết một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ở cơ sở. Những người có uy tín đã tham gia vận động quần chúng nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống âm mưu “diễn biến hoà bình” không mơ hồ, chủ quan, ảo tưởng.
Nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn bản; nhiều vụ việc tranh chấp đất đai, tài sản được hoà giải thành công tại cơ sở; vận động nhân dân thực hiện tốt các cam kết: Không tái trồng thuốc phiện, không tàng trữ, sử dụng, buôn bán các chất ma tuý; không di cư tự do, không tin theo luận điệu tuyên truyền, tập hợp lực lượng thành lập “Vương quốc Mông”, không khiếu kiện vượt cấp. Nhiều năm qua, an ninh trật tự xã hội, an ninh - quốc phòng vùng biên giới được được giữ vững và ổn định.
Đó là sự cố gắng của nhân dân các dân tộc Tây Bắc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người có uy tín. Đó là những tấm gương tiêu biểu như ông Lý Xuyến Phù, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu; Giàng A Mua, bản Huổi Moi, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên hay ông Bàn Văn Quý, thôn Tân Thành, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa…
Ngày 4/12, tại Phú Thọ, 548 đại biểu, đại diện cho 22.529 người có uy tín vùng Tây Bắc được lựa chọn từ cơ sở sẽ dự Lễ tuyên dương do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc và tỉnh Phú Thọ tổ chức. |
Theo ông Vi Văn Sơn, người có uy tín của khối Định Hoa, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), kinh nghiệm của ông là cần làm tốt công tác dân vận, vận động già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tích cực giáo dục con cháu giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, phong tục tập quán của địa phương.
Đồng thời nêu cao tinh thần cảnh giác đối với các luận điểm xấu, xuyên tạc, nói xấu chế độ, nói xấu Đảng và các vấn đề truyền đạo trái phép, trái với phong tục tập quán lâu đời của đồng bào các dân tộc. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhân dân nhất là người đứng đầu và các tín đồ tôn giáo, thăm hỏi, động viên, hướng dẫn giáo dân thực hiện sinh hoạt tôn giáo theo hiến chương, đường hướng hành đạo; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đối với người dân. Vận động người đứng đầu, giáo dân và các chức sắc tôn giáo đăng ký thực hiện lễ nghi tôn giáo ngoài cơ sở tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Lương Thái Hồng, dân tộc Tày, thôn Chương, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được người dân bầu là người có uy tín trong thôn. Những năm qua, ông Hồng cùng với Ban công tác Mặt trận thôn hòa giải thành công hàng chục vụ mâu thuẫn, vướng mắc của người dân trong thôn; vận động các hộ đóng góp tiền và ngày công để hoàn thành hơn 1.000m đường bê tông nông thôn trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Ông Lương Thái Hồng (hàng đầu) tham gia vệ sinh môi trường cùng người dân thôn Chương, xã Hùng Lợi. Ảnh: Quang Cường –TTXVN |
Quan tâm đến chính sách hỗ trợTheo bà Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn vùng Tây Bắc luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Những năm trước đây, khi chưa có Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg, và Quyết định 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; người có uy tín ở cơ sở vẫn được các cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm, động viên và định hướng hoạt động. Ủy ban nhân dân các tỉnh giao cho các cơ quan chức năng, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần người có uy tín.
Những ngày lễ, ngày Tết, các tỉnh giao cho Mặt trận Tổ quốc hoặc các ngành liên quan tổ chức các đoàn đại biểu người có uy tín đi tham quan, học tập những mô hình điển hình về phát triển kinh tế, xã hội trong và ngoài tỉnh, thăm các di tích, danh lam thắng cảnh của đất nước... Người có uy tín tiêu biểu được gặp, báo cáo thành tích với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong những dịp ngày lễ kỷ niệm lớn của địa phương và Trung ương.
Ông Ma Thanh Sợi, Bí thư chi bộ, người uy tín Bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai: Cung cấp thông tin thường xuyên Để tiếp tục cho người uy tín như chúng tôi thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong dòng họ, thôn xóm đề nghị các cấp, các ngành thường xuyên cung cấp thông tin về phát triển kinh tế - xã hội từ Trung ương đến địa phương, thông tin về chủ trương chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước nhất là những thông tin chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về bảo vệ môi trường, kiến thức quốc phòng và an ninh, phòng chống tội phạm, nêu cao tinh thần cảnh giác với những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam. Tổ chức cho người uy tín được tham quan, giao lưu học hỏi trong và ngoài tỉnh; thực hiện tốt chính sách của người uy tín để chúng tôi tiếp tục phát huy nhiệm vụ của mình xây dựng khối đoàn kết các dân tộc tham gia phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. |
Định kỳ hai năm một lần, các tỉnh đều tổ chức Hội nghị biểu dương già làng, trưởng bản những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội. Nhiều người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc đã được tham dự Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số toàn quốc.
Mặc dù việc bình chọn, xét duyệt hưởng chính sách của Nhà nước cho người có uy tín là một chính sách mới được hướng dẫn thực hiện từ năm 2011, ngân sách đặc thù của địa phương còn hạn hẹp, song các tỉnh vùng Tây Bắc đã có nhiều cố gắng thực hiện các qui định của Chính phủ, ngày một quan tâm và phát huy người có uy tín trong đời sống xã hội.
Hầu hết những người có uy tín bình bầu từ cơ sở, được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đều được hưởng một số chế độ chính sách của Nhà nước, như được cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, được cấp một số báo chí, được tập huấn kiến thức về một số lĩnh vực kinh tế - xã hội về việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, được hỗ trợ thăm hỏi, được xét thi đua khen thưởng...
Nhằm quan tâm hơn nữa đến người có uy tín, bà Hoàng Thị Hạnh cho rằng: Các tỉnh trong vùng thống nhất cao nhận thức trong toàn xã hội về vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động và phát huy vai trò người có uy tín là một nội dung quan trọng trong chính sách đại đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà nước. Việc bồi dưỡng, phát huy người có uy tín là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp; thông qua đó để vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, hiểu rõ và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 “Về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Quyết định số 18/2011/QĐ- TTg ngày 18/3/2011 “Về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg, ngày 7/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời những đóng góp của người có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ động, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, rà soát, đánh giá thực tiễn về việc thực hiện chính sách cho người có uy tín ở cơ sở, kiến nghị với Chính phủ, sửa đổi, bổ sung chính sách cho người có uy tín ngày một sát với thực tiễn và thực hiện chính sách có hiệu quả cao hơn.
Ông Lỳ Xuyến Phù, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Từ thực tiễn của công tác giữ gìn và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ở một xã biên giới gắn với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, tôi nhận thấy: Phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết, kế hoạch của trên về công tác phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội gắn với xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước mọi âm mưu, hoạt động của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã. Phối hợp làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với các cấp lãnh đạo và Bộ đội Biên phòng về các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên địa bàn; các chủ trương, đối sách giải quyết, xử lý các vấn đề xảy ra ở khu vực biên giới. Thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của xã phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân cấy lúa nước hai vụ, trồng các loại rau màu, cây lương thực tăng vụ và nhân rộng mô hình chăn nuôi trang trại; trồng, bảo vệ rừng gắn với thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an ninh biên giới. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong việc triển khai thực hiện các nội dung có liên quan đến công tác phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội; giữ gìn và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tăng cường các hoạt động giao lưu, đối ngoại nhân dân, kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới và tổ chức hội đàm, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển. |
Ông Hoàng Văn Cắm, dân tộc Nùng ở thôn Nà Lầu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) cho rằng: “Cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành đoàn thể phải thường xuyên quan tâm trang bị kiến thức đầy đủ về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, trong nước, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới... để người có uy tín nắm được và nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Thường xuyên gặp gỡ, động viên kịp thời để người có uy tín tích cực phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống mới.
Bản thân những người có uy tín phải thường xuyên nghiên cứu học tập thông qua sách, báo, phương tiện nghe, nhìn, trao đổi học tập kinh nghiệm để nâng cao hiểu biết, nhất là nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu đi đầu vận động nhân dân chấp hành chính sách, pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạm xã hội”.
Để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Nhà nước, sự tôn vinh và kính trọng của cộng đồng, người có uy tín cần tiếp tục nêu cao vai trò nòng cốt của mình trên các mặt hoạt động của đời sống xã hội. Tích cực vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên con em, người thân trong gia đình, dòng họ và mọi người trong cộng đồng thôn, bản phát triển sản xuất, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Gương mẫu, đi đầu trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu chia rẽ đoàn kết dân tộc, âm mưu tuyên truyền kích động, tập hợp lực lượng lập “Vương quốc Mông”, không di cư tự do; không truyền, học đạo trái pháp luật. Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Người có uy tín tiêu biểu cần tích cực giám sát chính quyền cơ sở nhất là ở xã, thôn, bản trong việc thực hiện các chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nắm vững tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề xuất với chính quyền các cấp quan tâm giải quyết kịp thời; đóng góp ý kiến cho cấp ủy, chính quyền các cấp để xây dựng Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể ngày càng thêm vững mạnh.