Chị Hoàng Thị Mai ở thành phố Buôn Ma Thuột chăm sóc đàn ong. |
Thống kê cho thấy, các tỉnh Tây Nguyên có hiện trên 500.000 đàn ong mật, chủ yếu là ong ngoại Apis mellifera (chiếm 30% tổng đàn ong trong cả nước), với sản lượng mỗi năm đạt từ 30.000 tấn mật trở lên, chiếm gần 60% trong tổng sản lượng mật ong của cả nước, giá trị xuất khẩu đạt từ 45 triệu USD trở lên/năm.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 1.500 hộ nuôi ong, với gần 200.000 đàn, chủ yếu là giống ong ngoại nhập. Hàng năm, tỉnh xuất khẩu từ 10.000 tấn mật ong, sáp ong sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc…
Nghề nuôi ong lấy mật ở Đắk Lắk tập trung ở hầu hết các huyện, thị xã và thành phố Buôn Ma Thuột, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông hộ.
Gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi ong mật, ông Vũ Tiến Cát ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) chia sẻ, nghề nuôi ong khá đơn giản, để phát triển đàn ong chỉ cần đầu tư mua giống ban đầu, sau đó tự tách ong chúa sang tổ khác để tăng đàn. Nuôi ong cho mật quanh năm, kể từ đàn ong mới tách tổ khoảng 20 ngày là đã bắt đầu cho mật. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, nguồn thức ăn sẵn có mỗi năm từ 500 đàn ong ông Cát thu về khoảng 17 tấn mật, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm ông thu về khoảng vài trăm triệu đồng.
Còn hộ gia đình ông Nguyễn Huy Bát ở phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột nuôi 3.000 đàn ong mật. Mỗi năm, gia đình ông khai thác được khoảng 100 tấn mật ong, thu lãi khoảng trên 2 tỷ đồng, chưa kể nguồn thu lợi từ các sản phẩm khác của ong như sữa ong chúa, phấn hoa…
Phát huy thế mạnh của vùng đất có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp ngắn, dài ngày, nhất là có trên 573.400ha cà phê, 258.975ha cao su, 70.000ha điều và rừng tự nhiên, rừng trồng… thuận lợi cho việc phát triển đàn ong mật, các tỉnh Tây Nguyên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nông hộ vay vốn đầu tư phát đàn ong mật cũng như chăn thả các đàn ong trong các mùa hoa cà phê, cao su, điều, rừng tự nhiên, rừng trồng…
Tuy nhiên, việc phát triển ngành nuôi ong mật ở các tỉnh Tây Nguyên còn bộc lộ một số bất cập, thiếu tính bền vững, nhất là thiếu nguồn ong giống tốt, ong chúa giống sản xuất tự phát, không được chọn lọc, có biểu hiện thoái hóa cao, dễ nhiễm bệnh, nhiễm các loại ve ký sinh cao…
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, để phát triển ngành ong mật hàng hóa ở các tỉnh Tây Nguyên bền vững, đề nghị các đơn vị chức năng cần chọn lọc, lai tạo giống ong chất lượng cao bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, để giải quyết được con giống có nguồn gốc rõ ràng theo tiêu chuẩn đăng ký VietGap hay GMP trong nuôi ong mật.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần nâng cao kiến thức, kỹ thuật phòng trừ bệnh ong cho người nuôi ong, nhất là không được sử dụng kháng sinh, thuốc diệt ve ký sinh để tồn dư trong sản phẩm ong, đồng thời, đào tạo, tập huấn cho người nuôi ong chuyển đổi hình thức nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn GMP nhằm đảm bảo thương hiệu mật ong Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng…