Tỉnh Hậu Giang đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ, xin đồng chí cho biết địa phương có kiến nghị gì để dự án sớm được thực hiện và hoạt động hiệu quả nhất?
Hậu Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào năm 2012 với quy mô 5.200 ha. Sau khi được thành lập, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Thứ nhất, tỉnh đã hoàn thành 6 công việc liên quan đến thủ tục, cơ chế đầu tư; thành lập bộ máy và đi vào hoạt động với tên gọi là Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang; lập xong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025; lập các quy hoạch chi tiết cụ thể hóa quy hoạch chi tiết xây dựng; ban hành Cơ chế sử dụng đất trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ban hành Quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2015-2020 trình Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu vực trung tâm 415 ha.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang hình thành và phát triển sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản và nâng cao đời sống người dân tỉnh Hậu Giang nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung. |
Thứ hai, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 2 công việc trực tiếp trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Dự án cấp Bộ “Ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và công nghệ sản xuất giống hiện đại phát triển giống lúa chất lượng cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang” và Dự án cấp tỉnh là “Trình diễn và xây dựng quy trình kỹ thuật phù hợp cho các giống lúa có năng suất, chất lượng cao làm nền tảng phục vụ cho phát triển sản xuất của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang”.
Tỉnh đang tích cực kêu gọi đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó đã có một nhà đầu tư được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư khoảng 300 ha tại xã Lương Tâm và Lương Nghĩa thuộc Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để dự án sớm được thực hiện và hoạt động hiệu quả, tỉnh kiến nghị Trung ương sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ cao (ban hành năm 2008) làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện cũng như kêu gọi các nhà đầu tư; quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, tạo điều kiện để Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sớm đi vào hoạt động.
Để kinh tế nông nghiệp tỉnh Hậu Giang nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung phát triển bền vững, theo đồng chí, Đảng và Chính phủ cần quan tâm đầu tư thêm lĩnh vực gì?
Vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Hậu Giang nói riêng có thế mạnh lớn nhất là nông nghiệp. Chính vì vậy, việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững là một yêu cầu tất yếu trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Để làm được điều này, Đảng và Chính phủ xem xét nên có chính sách đặc thù cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; chính sách đó nên chú trọng đầu tư mạnh vào 4 lĩnh vực:
Thứ nhất, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và thủy lợi. Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nhìn chung vẫn chưa đồng bộ. Do đó, trong thời gian tới, Trung ương, Chính phủ cần sớm đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long theo như Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được phê duyệt, trong đó chú trọng đến một số tuyến đường huyết mạch trong vùng như: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc xuyên Á, đường hành lang Biển Đông,...
Bên cạnh đó, Trung ương, Chính phủ cũng cần quan tâm nhiều hơn đến hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là hệ thống các kênh chính, kè chống sạt lở, cống ngăn mặn, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu...
Thứ hai, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập: Vùng đồng bằng sông Cửu Long được xem là “vùng trũng” giáo dục. Thời gian gần đây với sự đầu tư của Trung ương và việc triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nhìn chung, giáo dục đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Song trình độ nguồn nhân lực vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước và thấp hơn cả vùng Tây Nguyên. Chính vì vậy, trong thời kỳ hội nhập, muốn có sản phẩm tốt cạnh tranh, phải sản xuất theo hướng hiện đại, mà sản xuất hiện đại thì phải có “con người hiện đại”, có trình độ, năng lực làm chủ khoa học và công nghệ. Nói một cách bài bản là: Phải có lực lượng lao động phù hợp với quan hệ sản xuất, thì nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long mới phát triển bền vững.
Thứ ba, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và xuất khẩu nông sản: Thời gian vừa qua, chúng ta nói nhiều đến liên kết 4 nhà, chuỗi giá trị, nhưng hiện nay việc phát triển nội hàm đúng nghĩa của sự liên kết thì vẫn chưa nhiều, chỉ dừng lại ở “mô hình”, chưa thật sự là một cách làm phổ biến. Do đó, Chính phủ cần có một cơ chế, chính sách đủ mạnh để tăng cường mối liên kết, hình thành các chuỗi giá trị đa dạng trong các ngành hàng: Chuỗi giá trị trong sản xuất lúa, chuỗi giá trị trong sản xuất mía,... tạo ra lợi thế cạnh tranh đối với những hình thức sản xuất khác.
Thứ tư, có chính sách hỗ trợ hợp lý giải quyết vấn đề "đầu ra" nông sản: Thời gian qua, đầu ra cho nông sản luôn được đặt ra và bàn thảo rất sôi nổi. Tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn chưa như mong muốn, điệp khúc “trồng - chặt” luôn “đeo bám” người nông dân. Vì vậy, việc dự báo thị trường hỗ trợ giải quyết đầu ra nông sản là vấn đề quan trọng hàng đầu, góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần đóng vai trò lớn hơn trong dự báo, định hướng thị trường và hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!