Tỉnh sẽ đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp chế biến chè xây dựng và hoàn thiện được hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO - 9001: 2000 và hệ thống an toàn thực phẩm HACCP trong quá trình chế biến. Các địa phương, người trồng chè coi trọng việc bảo đảm an toàn trong toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch chè...
Thu hoạch chè ở xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Phú Thọ là tỉnh đứng thứ 4 về diện tích, thứ 3 về sản lượng chè trong cả nước với tổng diện tích năm 2015 đạt 16,5 nghìn ha. Diện tích chè cho sản phẩm là trên 15.000 ha với năng suất bình quân hơn 101 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi ước đạt 154,7 nghìn tấn. Diện tích chè giống mới, chè chất lượng cao khoảng 71,5% tổng diện tích, cơ cấu giống khá đa dạng. Tổng diện tích chè được chứng nhận an toàn đạt 4.000 ha gồm các chứng nhận VietGAP, Rainforest Alliance, UTZ… Hàng năm, khoảng 8.000 tấn chè khô các loại của tỉnh xuất khẩu, còn lại là bán qua các doanh nghiệp trong nước.
Trong điều kiện hội nhập sâu rộng, sản phẩm chè xuất khẩu ngày càng đòi hỏi yêu cầu gắt gao về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, việc triển khai mô hình trồng chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là đòi hỏi tất yếu. Ở Phú Thọ các mô hình sản xuất chè an toàn thuộc Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp” (QSEAP) đạt hiệu quả cao đang xuất hiện ngày càng nhiều tại khắp các vùng trọng điểm sản xuất chè của tỉnh như Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Thanh Sơn...
Tại huyện Đoan Hùng, nhiều năm qua địa phương triển khai đồng bộ giải pháp phát triển vùng chè an toàn và bền vững. Huyện áp dụng kỹ thuật thâm canh tạo ra sản phẩm nguyên liệu an toàn gắn liền vùng sản xuất với tiêu thụ để từng bước nâng cao sản lượng, giá trị và hiệu quả cây chè. Đồng thời, ngành công nghiệp hướng dẫn nông dân trồng mới và thay thế diện tích chè cũ kém năng suất bằng các giống chất lượng cao; đẩy mạnh bón phân thâm canh và áp dụng đốn, hái, bảo vệ thực vật theo kỹ thuật tiên tiến.
Theo ông Nguyễn Hồng Lê, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoan Hùng, huyện tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng mới, thâm canh, phòng trừ dịch bệnh trên chè; kỹ thuật sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ; đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa các thiết bị công nghệ hiện đại vào chế biến. Tính đến năm 2015, diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao như LDP1, PH11, LDP2 tăng 30% so với năm 2010. Giá trị cho sản phẩm chè cũng theo đó được nâng lên.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, đại diện Hợp tác xã sản xuất, chế biến, dịch vụ thương mại chè Minh Tiến cho hay, khi áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, giá trị sản phẩm tăng từ 10 - 15% so với chè sản xuất thông thường tại địa phương. Các thành viên của hợp tác xã Minh Tiến cũng chủ động sản xuất chè theo quy trình sản xuất an toàn. Nhờ vậy, đầu ra cũng đảm bảo hơn do khách hàng tin tưởng bởi sản phẩm có truy xuất nguồn gốc.
Đến nay, Hợp tác xã quản lý gần 60 ha chè với 100% là chè giống mới; mỗi năm cung cấp cho Công ty chè Phú Bền trên 700 tấn chè búp tươi. Ngoài ra, Hợp tác xã tổ chức thu mua chè của các hộ dân trong vùng (hộ sản xuất chè an toàn) về sản xuất chế biến chè khô cung cấp cho thị trường. Trong năm 2016, doanh thu hợp tác xã đã đạt hơn 8 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn nhiều so với hình thức sản xuất theo phương thức truyền thống trước đây.
Từ sản xuất chè theo hướng an toàn, năng suất, chất lượng, giá trị chè của tỉnh Phú Thọ được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.