Lễ hội diễn ra từ ngày 8/3 đến 13/3/2017 tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với chủ đề: “Hội tụ tinh hoa – Phát huy bản sắc – Liên kết phát triển”.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: “Lễ hội tổ chức vào tháng 3 là tháng đẹp nhất của Tây Nguyên; đồng thời đây là vùng nằm trong tam giác phát triển của 3 nước Lào – Campuchia- Việt Nam, nền văn hóa đa dạng, nhiều tiềm năng. Do đó, lễ hội sẽ là cơ hội quảng bá thương hiệu cà phê và thu hút đầu tư vào vùng Tây Nguyên, qua đó tạo động lực để cả vùng phát triển, ổn định”.
Ông Điểu Kré, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: “Mục tiêu của tổ chức lễ hội lần này nhằm quảng bá thương hiệu mang tên gọi xuất xứ hàng hóa “Cà phê Buôn Ma Thuột”, khẳng định vị thế của cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.
Việc tổ chức lễ hội cũng nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” vào năm 2005, được chuyển sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào năm 2008.
“Đây là lần đầu tiên 3 chương trình lớn gồm Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2017 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 được tổ chức đồng thời nhằm giới thiệu hình ảnh, thế mạnh và mời gọi những dự án đầu tư, thương mại, du lịch lớn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên”, ông Điểu Kré cho biết.
Lễ hội còn mang ý nghĩa lịch sử là nhằm thiết thực kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột – giải phóng Đắk Lắk (10/3/1975 – 10/3/2017), mở đầu cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Cà phê Buôn Ma Thuột hiện đã xuất khẩu đến hơn 60 nước và khu vực trên thế giới. Trong quá trình hội nhập, việc quảng bá thương hiệu có vai trò quan trọng, giúp tiêu thụ sản phẩm và mang lại giá trị cao”.
Với nhiều nội dung biểu diễn nghệ thuật, thưởng thức cà phê... giúp du khách và người dân các dân tộc Tây Nguyên cảm nhận sâu sắc về tinh hoa cà phê Buôn Ma Thuột, bản sắc của không gian văn hóa công chiêng.
Chương trình của lễ hội cũng sẽ tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch tới cả vùng. “Với thế mạnh du lịch sinh thái và văn hóa, Chính phủ đã xem xét, đưa tỉnh Đắk Lắk vào danh mục những trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch.
Việc Chính phủ đồng ý lập dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Yok Đôn”, một trong 47 Khu du lịch quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xem là bước khởi đầu cho phát triển du lịch.
Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2020 đón hơn 4,3 triệu lượt khách, trong đó có gần 400.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch đạt 4.300 tỷ đồng”, ông Nguyễn Tuấn Hà cho biết.