Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, mặc dù, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhưng đến đầu tháng 10/2021, nông dân địa phương đã thu hoạch an toàn, dứt điểm trên 27.000 ha lúa Hè Thu chính vụ; trong đó, chủ yếu tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây với khoảng 25.000 ha, diện tích còn lại nằm trong nội đồng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh.
Vụ Hè Thu chính vụ năm nay, nông dân Tiền Giang được mùa, năng suất bình quân đạt 55,32 tạ/ha và sản lượng đạt trên 150.000 tấn lúa, tăng hơn 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá lúa tươi thương lái thu mua tại ruộng từ 5.600 đồng đến 6.300 đồng/kg, tùy theo giống; trong đó, cao nhất là các giống chất lượng cao như: Nàng Hoa 9, VD 20,..có giá từ 6.100 đồng đến 6.800 đồng/kg tùy theo địa bàn. Cá biệt, tại huyện Gò Công Tây, giá lúa ST 24 thương lái thu mua từ 6.300-7.000 đồng/kg.
Gò Công Tây cũng là địa phương có vùng trồng lúa chất lượng cao lớn nhất tỉnh Tiền Giang với những giống lúa nổi tiếng như: VD 20, ST 24, Đài Thơm 8… Đặc biệt, trên cơ sở đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu gắn với xay xát, chế biến xuất khẩu tại huyện Gò Công Tây, Công ty TNHH HK đã xây dựng thành công thương hiệu gạo VD 20 đạt OCOP cấp tỉnh hạng II sao, mở ra tương lai mới cho ngành trồng lúa tại Gò Công Tây trong giai đoạn mới, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây Ngô Văn Dũng cho biết, trong vụ Hè Thu 2021, địa phương xuống giống trên 8.400 ha. Mặc dù, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng nhờ chủ động trong sản xuất gắn với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên nông dân thu hoạch đạt 100% diện tích với sản lượng trên 48.000 tấn lúa hàng hóa, cung ứng thị trường, chủ yếu là lúa thơm, lúa chất lượng cao được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ trồng lúa chất lượng cao, nông dân tại đây có thu nhập khá trong mùa dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư.
Có một thực tế là lúa Hè Thu tại Tiền Giang thu hoạch tập trung trong thời gian cả tỉnh phải ứng phó đại dịch COVID-19, nhiều địa bàn bị phong tỏa, cách ly nên tạm thời việc di chuyển máy móc, phương tiện thu hoạch giữa các địa phương chưa thông suốt. Khâu sấy lúa cũng ảnh hưởng bởi các lò sấy phải hoạt động 24/24 giờ nhưng do tỉnh quy định người dân không ra đường sau 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau dẫn đến tình trạng thiếu nhân công lao động.
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, các huyện, thị, thành cấp giấy xác nhận cho bà con đi lại qua các chốt, tổ kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 với mục đích thăm đồng, thu hoạch nông sản, chăm sóc hoa màu... Nông dân, thương lái tham gia khâu thu hoạch, tiêu thụ lúa Hè Thu còn được ưu tiên hỗ trợ test nhanh tầm soát virus SARS-CoV-2 miễn phí; được tuyên truyền thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5 K của Bộ Y tế khi làm việc trên đồng.
Đặc biệt, chính quyền địa phương tạo điều kiện để thương lái đến thu mua lúa Hè Thu của nông dân trực tiếp tại ruộng và đưa phương tiện vận chuyển, tập kết về nơi sấy, sơ chế, xay xát, tiêu thụ nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Ngoài ra, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, các khâu sản xuất từ làm đất, gieo sạ, chăm sóc đến thu hoạch lúa tại địa phương hiện đều đã cơ bản cơ giới hóa, giải phóng sức lao động vừa giúp ngành trồng lúa phát triển bền vững. Đặc biệt, khâu thu hoạch đã cơ giới hóa 100%, thiết thực giúp khắc phục tình trạng thiếu nhân công trong nông nghiệp nói chung, giảm tỷ lệ thất thoát, giữ được chất lượng hạt lúa hàng hóa vừa đảm bảo tiến độ thu hoạch vụ Hè Thu 2021 nhanh, gọn, ăn chắc trước tình hình mùa mưa lũ đang vào cao điểm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với thu hoạch an toàn vụ Hè Thu, nông dân Tiền Giang tiếp tục tập trung chăm bón trên 4.800 ha lúa vụ Thu Đông 2021; trong đó, có gần 3.300 ha đang ở giai đoạn đẻ nhánh, trên 1.400 ha giai đoạn mạ và số còn lại đang làm đòng.