Sạt lở nghiêm trọng
Theo thông tin Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Long Phú, từ đầu tháng 6 đến nay, tuyến kênh Rạch Mọp (xã Song Phụng) đã xuất hiện hai vụ sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài trên 110m, lấn sâu vào đất liền từ 15 - 23 mét. Hai vụ sạt lở đã ảnh hưởng 4 căn nhà, hàng trăm mét lộ bê tông, đường dây diện, đê bao ngăn triều cường… ước thiệt hại gần 3 tỷ đồng.
Gần đây nhất, ngày 21/6, vụ sạt lở tại Vàm sông Rạch Mọp (giáp sông Hậu) với chiều dài 40m, lấn sâu vào đất liền 8m. Vụ sạt lở làm ba căn nhà sụp hoàn toàn xuống sông và một căn bị ảnh hưởng 50% (có nguy cơ sạt lở hoàn toàn thời gian tới). Cùng với đó, hệ thống điện, đường nông thôn bị hư hỏng, ước tính tổng thiệt hại gần 2 tỷ đồng.
Ông Châu Hoài Linh (ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng) cho biết, gần 4 giờ ngày 21/6, nghe tiếng động mạnh, cả nhà vội chạy ra ngoài và chưa kịp dời đồ đạc... Ước thiệt hại của gia đình do sạt lở trên 500 triệu đồng.
Theo ông Phan Hoàng Điệu (ấp Phụng An, xã Song Phụng), hàng năm tình trạng sạt lở vẫn thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, vụ sạt lở đầu tháng 6 vừa qua, với chiều dài 70m, lấn sâu 23m khiến bà con rất lo lắng. Bà con sống ven rạch này đều mong muốn ngành chức năng có các giải pháp hạn chế tình trạng sạt lở giúp người dân an tâm lao động sản suất.
Cũng trong đầu tháng 6, vụ sạt lở xảy ra nghiêm trọng xảy ra tại tuyến đường huyện lộ 6 thuộc địa bàn xã An Mỹ, huyện Kế Sách, làm thiệt hại kho vật tư nông nghiệp (kho bán phân thuốc hóa học cho trồng cây ăn trái của người dân), ước thiệt hại trên 500 triệu đồng.
Theo bà Lý Kim Huệ (xã An Mỹ), mặc dù đã làm bờ kè bằng đá chống sạt lở, nhưng diễn biến sạt lở diễn ra nhanh nên việc di dời thuốc và phân bón không kịp. Bây giờ, trên tuyến rạch Phụng An ở khu vực này, người dân ai cũng lo lắng, có hộ di chuyển nhà cửa khỏi khu vực cặp bờ sông nhằm tránh thất thoát tài sản và tính mạng khi có sạt lở xảy ra.
Theo lãnh đạo UBND xã An Mỹ, từ đầu năm 2023 đến nay, địa phương đã ghi nhận 25 đoạn sạt lở với chiều dài 725m. Các vụ sạt lở, tuy không thiệt hại về người, nhưng ảnh hưởng đến tài sản của người dân và nhiều đoạn đường bê tông nông thôn. Đặc biệt, tuyến đường huyện lộ 6 đoạn nối từ thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách) đến xã Hậu Thạnh (huyện Long Phú) bị hư hỏng, xe ô tô không lưu thông được, gây khó khăn cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa.
Ông Huỳnh Phú Danh, Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ cho biết, hiện với các điểm sạt lở cập tuyến rạch Phụng An, địa phương đã khắc phục được 12 đoạn đảm bảo việc lưu thông đi lại của nhân dân. Với tuyến huyện lộ 6, xã đang kiến nghị với huyện, tỉnh để gia cố vì địa phương chưa có nguồn kinh phí.
Cũng theo ông Huỳnh Phú Danh, từ khi vào mùa mưa, tần suất những vụ sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng nhiều hơn, điều đáng lo ngại là sạt lở thường xảy ra vào ban đêm khiến người dân không chủ động di dời nên ảnh hưởng tới tài sản. Theo khảo sát địa phương, 8 đoạn khác có nguy cơ sạt lở tập trung ở các ấp Phụng An, Trường Thọ và Trường Phú.
Ông Lê Hoàng Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phụng chia sẻ, tình hình sạt lở ở tuyến Rạch Mọp giáp đoạn giáp sông Hậu vào khoảng 3km diễn ra khá phức tạp và xảy ra đều đặn hàng tháng. Lực lượng chức năng ở xã đã tuyên truyền đến người dân chặt các loại cây to ven sông để giảm sức nặng cho bờ sông nhằm tránh tình trạng sạt lở nghiêm trọng và giảm khả năng thiệt hại khi cây đổ ngã. UBND xã khuyến cáo người dân nên cẩn trọng quan sát đất bờ sông, khi thấy có dấu hiệu rạng nứt bất thường nên báo ngay với chính quyền địa phương và di dời vật kiến trúc để đảm bảo tài sản và tính mạng.
Nỗ lực khắc phục
Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tình xảy ra gần 50 vụ sạt lở, với tổng chiều dài 1.587m; trong đó, nhiều nhất là huyện Kế Sách 887m, huyện Long Phú 282m, huyện Mỹ Xuyên là 158m và huyện Cù Lao Dung 260m.
Đánh giá tình hình sạt lở gần đây, ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho rằng, sạt lở bờ sông, bờ kênh thường xuyên xảy ra đối với các huyện ven sông Hậu, cao điểm vào tháng mưa, lũ, nguyên nhân do thủy triều cao và gió to sóng lớn. Tuy nhiên, năm 2023, tình hình sạt lở có chiều hướng đến sớm và diễn biến phức tạp, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy và khai thác mạch nước ngầm trái phép.
Đặc biệt, trên tuyến Rạch Mọp (giáp ranh giữa huyện Kế Sách và huyện Long Phú) có chiều dài hơn 4km và giáp sông Hậu, đây là tuyến kênh cung cấp nước ngọt chủ yếu từ sông Hậu cho các huyện Kế Sách, Long Phú, Châu Thành và một phần của thành phố Sóc Trăng. Do vậy, dòng nước chảy rất mạnh nên thường xuyên xảy ra sạt lở, thống kê ngành chức năng từ đầu năm đến nay, trên tuyến rạch này, đã xảy ra sạt lở gần 1.000m.
Theo ông Phạm Tấn Đạo, ngành chuyên môn đã tư vấn khảo sát, đánh giá sát thực tế sạt lở để có những giải pháp triệt để hơn; đồng thời, phối hợp với UBND huyện Kế Sách và huyện Long Phú thành lập đoàn khảo sát các điểm có nguy cơ sạt lở, những trường hợp nguy hiểm đến nhà ở sẽ vận động nhân dân di dời và tạo điều kiện di dời tài sản đến nơi an toàn.
Hiện Sóc Trăng đã khắc phục tạm thời ổn định đời sống nhân dân khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở. Tỉnh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ vốn để khắc phục, phòng, chống sạt lở, với các hạng mục công trình như, xử lý sạt lở bờ sông Sain-tard (xã Long Đức, huyện Long Phú), sạt lở bờ sông tại Rạch Mọp (xã Song Phụng, huyện Long Phú), kinh phí 100 tỷ đồng; xử lý khẩn cấp sạt lở nguy hiểm bờ sông Phụng An (xã An Mỹ) và Rạch Vọp (xã Trinh Phú) huyện Kế Sách với kinh phí 120 tỷ đồng. Đây là giải pháp căn cơ giúp người dân ổn định lâu dài, an tâm sản xuất.