Người dân xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu thu hoạch quả sơn tra. Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN |
Là một tỉnh miền núi khó khăn, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chính của Yên Bái. Tuy nhiên, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhiều năm qua chưa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa mang lại hiệu quả cao; chưa tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhất là khi khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Khắc phục những yếu kém, tận dụng tiềm năng, thế mạnh sẵn có, từ năm 2015, Yên Bái thực hiện "Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững". Theo đó, tỉnh tập trung vào các cây, con có thế mạnh về tiềm năng, lợi thế, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Yên Bái đã xây dựng 8 đề án cụ thể về các chuyên ngành như: chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản; cây ăn quả có múi; chè vùng cao; ngô đông trên đất 2 vụ lúa; cây quế; cây măng tre Bát độ; cây sơn tra.
Qua gần hai năm, tất cả các đề án đều đạt và vượt kế hoạch, tạo nên diện mạo mới cho ngành nông nghiệp của tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn này. Những “nút thắt” từng bước được tháo gỡ, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới được xây dựng, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp ở những địa bàn khó khăn; từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho nông dân.
Văn Yên là một trong những điển hình với việc hình thành vùng chuyên canh lúa hơn 1.000 ha; vùng chuyên canh sắn công nghiệp trên 7.000 ha; vùng quế 40.000 ha, trong đó có 15.000 ha quế tập trung. Những giải pháp đã mang lại những kết quả rõ nét trong sản xuất nông nghiệp của huyện Văn Yên đó là: tập trung hoá trong sản xuất nông nghiệp, khai thác lợi thế từng vùng, nhất là tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trong sản xuất, đồng thời mở rộng thị trường bao tiêu sản phẩm, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lớn, vận động nhân dân đầu tư thâm canh, lựa chọn cây, con giống phù hợp với từng vùng để tăng năng suất, sản lượng. Nhờ đó, giá trị nông sản được nâng lên, đời sống nông dân được cải thiện, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc.
Là một huyện vùng cao thuộc diện khó khăn nhất cả nước, Mù Cang Chải đang tiếp tục thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp để cải thiện đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Đảm bảo an ninh lương thực làm tiền đề trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2016, Mù Cang Chải đã thâm canh tăng vụ, đưa nhiều loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện vào sản xuất như: cải dầu, khoai tây, lúa mỳ... Diện tích cấy lúa 2 vụ của huyện năm 2016 đạt 1.500 ha, tăng 11% so với năm 2015; diện tích ngô 2 vụ đạt 560 ha, tăng 2,6% so với năm 2015; ổn định diện tích đất trồng lúa với trên 4.300 ha, diện tích gieo trồng ngô 4.200 ha.
Vụ Đông Xuân 2015 - 2016, Mù Cang Chải triển khai trồng thử nghiệm mô hình lúa mỳ, cải dầu và khoai tây. Các mô hình này bước đầu đã khẳng định được hiệu quả kinh tế và được người dân đón nhận. Từ kết quả thử nghiệm đạt được, vụ Đông Xuân 2016 - 2017, huyện Mù Cang Chải đã mở rộng diện tích gieo trồng 500 ha cải dầu, 15 ha khoai tây và 20 ha lúa mỳ. Ngoài ra, huyện Mù Cang Chải đang tiếp tục xây dựng các mô hình trồng cây Atiso, trồng su su lấy ngọn, trồng gừng… Những cây trồng này sẽ là hướng đi mới trong việc tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có giá trị trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.
Mù Cang Chải cũng đang xây dựng, hoàn thành đề án phát triển chăn nuôi, vận động nhân dân chuyến đổi từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi hàng hóa tập trung theo hướng trang trại, gia trại. Từ nguồn vốn hỗ trợ, Mù Cang Chải đã xây dựng được 8 mô hình chăn nuôi dê, 3 mô hình chăn nuôi lợn thịt, 1 mô hình nuôi thỏ. Trên địa bàn huyện hiện có 84 hộ chăn nuôi từ 10 con trâu bò trở lên. Tổng đàn gia súc năm 2016 của huyện ước đạt gần 60 ngàn con.