Tạo sức bật cho vùng Đông Nam Bộ - Bài 1: Thúc đẩy kết nối giao thông liên vùng

Đông Nam Bộ từ lâu đã trở thành vùng kinh tế đầu tàu của cả nước. Năm 2023 được đánh giá là năm đặc biệt vì là năm bắt đầu triển khai hàng loạt dự án giao thông lớn mang tính liên vùng.

Chú thích ảnh
Phối cảnh cầu Nhơn Trạch thuộc đường Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Với việc thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm, hoàn thiện hạ tầng giao thông liên vùng, khu vực phía Nam sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ giữa các phương thức, loại hình vận tải. Đây sẽ là động lực, tạo sức bật cho đầu tàu kinh tế Đông Nam Bộ, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động logistics từ các khu kinh tế, công nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bài 1: Thúc đẩy nhanh kết nối giao thông liên vùng

Thời gian qua, các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ tích cực triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên kết vùng, khu vực. Song song đó, các địa phương còn tăng cường hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Tích cực triển khai các dự án trọng điểm

UBND TP Hồ Chí Minh vừa thông qua kế hoạch tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng đường Vành đai 3 - đoạn qua thành phố vào ngày 18/6 tới đây. Các địa phương còn lại dự tính khởi công dự án trên địa bàn từ 26 - 30/6/2023. Vành đai 3 giai đoạn 1 dài 76 km có tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng, đi qua Tp.  Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, là công trình giao thông lớn nhất phía Nam. Toàn tuyến Vành đai 3, giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2026, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại cũng như chi phí logistics.

Cùng với đường Vành đai 4 - TP Hồ Chí Minh, đường Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh đóng vai trò rất quan trọng trong kết nối vùng Đông Nam Bộ cũng như giải tỏa áp lực về giao thông cho đô thị lớn nhất vùng là TP Hồ Chí Minh. Do  vậy, các địa phương trong vùng đang hết sức tập trung đẩy nhanh tiến độ công việc để sớm hoàn thành xây dựng, khép kín hai tuyến đường vành đai này.

Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông, đại diện chủ đầu tư dự án Vành đai 3) cho biết, hiện tại, có tổng cộng 335 ha/410 ha đất cần thu hồi phục vụ thi công dự án được các địa phương thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư, đạt tỉ lệ 81,5%, cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 70% vào ngày 15/6/2023.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, bên cạnh yêu cầu về mặt bằng đã được đảm bảo, công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn giám sát cũng được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo sau khi khởi công sẽ bắt tay vào thi công ngay. Việc khởi công Dự án đường Vành đai 3 đúng kế hoạch đề ra cho thấy cách làm mới, tiếp cận mới đã giúp dự án thực hiện đúng tiến độ. Điều này sẽ được nhân rộng, lan tỏa cho các dự án giao thông trọng điểm của TP Hồ Chí Minh trong tương lai, nhất là khi thành phố được Quốc hội cho triển khai những cơ chế vượt trội trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh) sắp tới.

Cũng trong ngày 18/6 tới, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức khởi công. Kế hoạch này đã được UBND tỉnh Đồng Nai gửi đến Bộ Giao thông vận tải. Sau khi khởi công cả ba dự án thành phần của đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tiến hành thi công ngay để đảm bảo tiến độ.

Theo đó, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài là 53,7 km với tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương và vốn của các địa phương nơi dự án đi qua. Dự án chia thành 3 đoạn, trong đó đoạn 1 dài 16 km (Đồng Nai đầu tư), đoạn 2 dài 18,2 km đi qua địa phận Đồng Nai (Bộ Giao thông vận tải đầu tư), đoạn 3 đi qua địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5 km (Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư).

Bên cạnh hai dự án kể trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng quyết định khởi công dự án cầu Phước An cùng ngày 18/6. Đây là dự án quan trọng nối đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai với tổng chiều dài 4,3 km, tổng mức đầu tư 4.879 tỷ đồng.

Tại tỉnh Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, tỉnh đang tập trung nghiên cứu, đầu tư các trục giao thông trọng điểm, huyết mạch để tạo động lực thu hút đầu tư vào tỉnh, bao gồm: các đoạn tuyến Vành đai 3, 4; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… Đối với dự án Vành đai 4 - TP Hồ Chí Minh, tổng chiều dài tuyến đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 48,3 km, hiện có 22,64 km các đoạn tuyến đã đầu tư và còn 25,66 km đoạn tuyến chưa đầu tư.

Tăng cường hợp tác giữa các địa phương

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh, thành trong vùng tứ giác kinh tế gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã có buổi làm việc nhằm tăng cường hợp tác trong việc triển khai các dự án kết nối giao thông giữa các địa phương.

Trong kết nối giao thông giữa Đồng Nai và Bình Dương, lãnh đạo hai địa phương thống nhất sẽ bổ sung 4 vị trí cầu kết nối gồm: cầu Hiếu Liêm 2, cầu Tân An - An Lạc, cầu Tân Hiền - Thường Tân và cầu Thạnh Hội 2. Riêng kết nối giữa thành phố Biên Hòa và thành phố Dĩ An, ngoài 5 vị trí kết nối hiện hữu, hai đô thị này sẽ được bổ sung một điểm kết nối giữa đường D1, khu Đông Bắc Dĩ An và đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đi Quốc lộ 1K.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ trao đổi, thống nhất với tỉnh Đồng Nai cùng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm nghiên cứu mở rộng dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 (dự án thành phần 1A), bảo đảm khai thác đồng bộ với toàn dự án đường Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh,...

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, hạ tầng được đầu tư phát triển nhanh, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường Vành đai 3. Không gian đang phát triển nhanh đến Vành đai 4 và hiện theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thì TP Hồ Chí Minh cần thêm đường Vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, các địa phương cần nhanh chóng kéo giãn hành lang vận tải lên phía Bắc, theo đường Vành đai 4, vòng qua Tân Uyên (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai) và đấu nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đồng thời bổ sung đoạn khuyết thiếu từ Tân Uyên đến Biên Hòa. Luồng vận tải công nghiệp sẽ theo các cao tốc, quốc lộ, đại lộ, rẽ vào Vành đai 4 để cung cấp tài nguyên cho trục kinh tế Đông Nam Bộ, thay thế các luồng vận tải trước nay đi theo Vành đai 2 và 3.

Đối với tỉnh Bình Dương và Tây Ninh, lãnh đạo hai địa phương cam kết sẽ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông kết nối vùng. Đồng thời, triển khai các nội dung có liên quan đến hai địa phương trong các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt, như: Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Thống nhất quy hoạch hai tuyến đường và cầu kết nối từ đường tỉnh 789 (Tây Ninh) với đường tỉnh 744 (Bình Dương) trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, do nằm ở vị trí cửa ngõ của đô thị lớn nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh, việc đầu tư, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho tỉnh Đồng Nai. Không chỉ mang giá trị kết nối, một hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ còn thúc đẩy phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa cho địa phương này.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu Lương Anh Dũng cho biết, từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lên kế hoạch tập trung chủ yếu vào phát triển hệ thống giao thông kết nối. Thứ nhất, triển khai tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào tháng 6/2023 này và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Cùng với đó, đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh trong đó có đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu đang trình Chính phủ phê duyệt dự án tiền khả thi, sau đó chuẩn bị các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào năm 2024 và dự kiến kết thúc vào năm 2030, đồng bộ với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP Hồ Chí Minh khai thác toàn bộ đường Vành đai 4.

Bài cuối: Động lực phát triển kinh tế

Hồng Đạt (TTXVN)
Tạo sức bật cho vùng Đông Nam Bộ - Bài cuối: Động lực phát triển kinh tế
Tạo sức bật cho vùng Đông Nam Bộ - Bài cuối: Động lực phát triển kinh tế

Với việc thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm, hoàn thiện hạ tầng giao thông liên vùng, khu vực phía Nam sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ giữa các phương thức, loại hình vận tải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN