Đó là sẻ chia, mong muốn và cũng là nhắn nhủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm, làm việc mới đây tới hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên.
Mô hình kinh tế mới
Từ Lào Cai sang Lai Châu, rồi đi Điện Biên, vượt qua những dãy núi chập trùng, quanh co đèo dốc, qua các bản làng, tiếp xúc với bà con, có thể phần nào cảm nhận sự đổi thay nơi vùng cao Tây Bắc. Những triền núi được phủ xanh nhiều hơn, đồng lúa, ruộng ngô, đồi chè trải rộng ngút tầm mắt. Cảm nhận rõ nhất là giao thông đi lại đã thuận lợi hơn rất nhiều, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm, hơn 80% số thôn, bản đã có đường xe máy đến. Xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có thể đã lên thăm đồi chè được bằng ô tô. Đường đến đâu, văn minh đến đó. Dọc hai bên đường, các khu dân cư đông đúc hơn và nhiều hơn những ngôi nhà gạch kiên cố bên cạnh những khu nhà sàn, nhà gỗ dựng theo kiến trúc truyền thống của đồng bào…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia hái chè cùng đồng bào dân tộc tại khu vực thâm canh sản xuất chè VietGAP ở bản Cốc Phát, xã nông thôn mới Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Trí Dũng- TTXVN |
Đến Bản Bo, có thể thấy sự trù phú, đi trước đón đầu của một trong bốn xã đầu tiên ở tỉnh Lai Châu được công nhận xã nông thôn mới. Những nương đồi, ruộng một vụ kém hiệu quả, được xã chuyển hết sang trồng chè, xây dựng vùng chè chất lượng cao, tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến chè Sen Cha, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển chè Tam Đường. Giữa chốn thâm sơn cùng cốc, còn gì thú vị hơn khi nhâm nhi chén trà Ô Long tinh khiết cùng bánh Biscuit hương vị Mát-cha, ngay bên cạnh dây chuyền sản xuất chè “sạch” theo công nghệ Nhật Bản. Được xác định là cây mũi nhọn, cây giảm nghèo và làm giàu của người dân, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở vùng thấp Tam Đường, cây chè cũng đã được quy hoạch, đầu tư phát triển bài bản từ đầu vào đến đầu ra.
Chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động; doanh nghiệp liên kết với người dân trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi; người dân cho thuê đất, trực tiếp trồng và chăm sóc chè; doanh nghiệp cung cấp đầu vào (giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật) và lo đầu ra. Người dân được hưởng lợi, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo ở Bản Bo đã giảm nhiều. Đây là kết quả của cách làm mới, tư duy mới, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, con người là quyết định, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Thực tế, Đảng bộ xã Bản Bo đã rất quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học, 75% đảng viên có trình độ trung cấp lý luận trở lên. Nhờ vậy, Đảng bộ xã đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Ngay như Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Xuân Hoàn, qua trao đổi, làm việc có thể nhận thấy ở anh một tác phong năng nổ, sâu sát, luôn nắm chắc tình hình và có những đề xuất xác thực.
Sau 12 năm chia tách, cả Lai Châu và Điện Biên đều có những bước tiến vượt bậc cả về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Điều quan trọng là Lai Châu, Điện Biên đã phát triển đúng hướng, phù hợp với chủ trương của Trung ương và điều kiện cụ thể của địa phương. Nông - lâm nghiệp luôn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều vùng sản xuất tập trung, chuyên canh chè, cà phê, cao su, lúa, ngô…, được hình thành, theo hướng sản lượng, chất lượng, công nghệ cao.
Kèm theo đó, nhiều mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, đã phát huy hiệu quả, đưa sản phẩm đến với rộng rãi người tiêu dùng trong nước và cả xuất khẩu. Mặc dù tỷ trọng dịch vụ - du lịch đã tăng lên đáng kể trong cơ cấu kinh tế, song Lai Châu, Điện Biên còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, bao gồm cả du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử. Bởi đây là vùng đất của nhiều địa danh nổi tiếng, đã đi vào thơ ca, đi vào lịch sử, “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú và giàu bản sắc văn hóa, nơi sinh sống của cộng đồng 20 dân tộc anh em. Chính vì vậy, trong các cuộc làm việc tại địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở Lai Châu, Điện Biên cần chú trọng hơn nữa phát triển du lịch.
Xây dựng Đảng là then chốt
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Tây Bắc cần hết sức quan tâm các vấn đề an sinh xã hội, chăm lo giáo dục đào tạo, y tế, nước sạch, xóa đói giảm nghèo bền vững, dân số bền vững, làm tốt công tác dân tộc, công tác tôn giáo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền quốc gia…
Với Lai Châu, Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung, hướng đi, giải pháp đều đã rõ. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết, Kết luận về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Trên cơ sở đó Chính phủ đã có Kế hoạch hành động cụ thể, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành, nhằm khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn để Tây Bắc vươn lên phát triển.
Về phía địa phương cũng luôn trăn trở, khao khát và đầy quyết tâm. Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Điều quan trọng nhất là phải biến Nghị quyết thành hiện thực, biến quyết tâm thành hành động.
Vẫn biết Tây Bắc là khó khăn, thiên tai khắc nghiệt, địa hình chia cắt hiểm trở, trình độ dân trí còn hạn chế… nhưng càng khó càng phải quyết liệt hơn, phải chủ động và hành động, để Tây Bắc phát triển mạnh hơn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh hơn, kết nối gần hơn với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Có như vậy, Tây Bắc mới tạo được bước đột phá trên chặng đường phát triển tiếp theo và vùng đất thiêng nơi địa đầu Tổ quốc sẽ luôn thắm xanh, thương mến, nghĩa tình.