Tháng 10/2017, UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận phối hợp với Thái Lan thực hiện dự án thí điểm thả rạn nhân tạo, thuê đơn vị tư vấn lập dự án chi tiết thả rạn nhân tạo vùng biển thuộc Khu bảo tồn biển Phú Quốc (Kiên Giang). Tỉnh đã mời Viện Hải dương học Nha Trang tư vấn lập dự thảo đề cương, dự toán chi tiết.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tỉnh đã phân công cán bộ chuyên ngành thủy sản sang Thái Lan làm việc, học tập kinh nghiệm về thả rạn nhân tạo.
Phía Thái Lan cũng đã cử đoàn chuyên gia kỹ thuật sang Kiên Giang hỗ trợ khảo sát, lựa chọn địa điểm thí điểm thả rạn nhân tạo nhằm bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật và một phần kinh phí thực hiện dự án, gồm: vật liệu và thiết bị xây dựng các khối rạn nhân tạo bằng bê tông; các thiết bị báo hiệu và thiết bị chuyên dụng cho việc giám sát, đánh giá rạn nhân tạo,…Ngân sách tỉnh đối ứng chi cho khảo sát, thiết kế, tư vấn viết dự án, công lao động.
Tổng kinh phí dự toán thực hiện dự án khoảng 8 tỷ đồng; trong đó, Thái Lan tài trợ 3 tỷ đồng, số còn lại là kinh phí đối ứng trong nước. Hiện nay, về chuyên môn, kỹ thuật 2 phía đã cơ bản thống nhất và triển khai thực hiện.
Cục Thủy sản Thái Lan đã đồng ý quy trình thả rạn nhân tạo do Viện Hải dương học Nha Trang làm tư vấn và cho ý kiến các nhà khoa học Thái Lan phối hợp khảo sát về đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản ở giai đoạn trước, trong và sau khi thả rạn.
Trước đó, để bảo tồn, phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển, năm 2007, tỉnh Kiên Giang thành lập Khu bảo tồn biển Phú Quốc tổng diện tích hơn 26.860 ha.
Theo đó, hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các loại động thực vật quý hiếm là mục tiêu của hoạt động bảo tồn, góp phần khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản đang bị suy kiệt.