Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, người nông dân cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chú trọng vào giá trị gia tăng. Để làm được điều này, không chỉ dừng lại ở chuỗi liên kết, mà còn cần phối hợp với nhiều ngành nghề khác như thương mại điện tử, quản lý sau chế biến,… để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, đưa các sản phẩm lan tỏa được đến tay người tiêu dùng rộng rãi hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh cần phát huy giá trị, tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt trong việc xây dựng các câu chuyện về các sản phẩm, gắn với nét đẹp văn hóa của người dân địa phương. Qua đó, giúp cho người tiêu dùng hiểu biết rõ hơn về các sản phẩm nông nghiệp, tìm mua và sử dụng, tạo ra nguồn thu cho các đơn vị sản xuất và người nông dân.
Tuy nhiên, khó khăn nhất là phải làm sao để doanh nghiệp liên kết với người nông dân một cách bền vững, bởi những hợp đồng giữa người dân và doanh nghiệp là hợp đồng dân sự, chính quyền địa phương khó có thể can thiệp. Vì vậy, tỉnh cần phải chuẩn bị cho người nông dân những kiến thức cần thiết trong việc liên kết với doanh nghiệp, đặc biệt phải tuân thủ các yêu cầu trong các hợp đồng. Qua đó, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và tạo mối liên kết bền vững, tạo ra kênh tiêu thụ lâu dài cho người nông dân.
Thứ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, tỉnh Kon Tum cần tạo mọi điều kiện, tạo mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp thành lập các vùng nguyên liệu. Đó chính là yếu tố quyết định trong quá trình “trải thảm đỏ” cho các doanh nghiệp về tỉnh đầu tư. Các doanh nghiệp sẽ đưa ra các quy trình sản xuất phù hợp với từng thị trường tiêu thụ như tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP,… Có như vậy, mới tạo được niềm tin cho người tiêu dùng ở các thị trường và tạo mối liên kết bền vững cho người nông dân.
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang cho biết, với khoảng 265.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tỉnh Kon Tum lấy nông nghiệp làm nền kinh tế chính. Ngoài ra, tỉnh có khoảng 174.000 ha đất rừng để phát triển lâm nghiệp; tiềm năng lớn phát triển các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt,…; có thể sản xuất được rau, hoa xứ lạnh, đặc biệt tại Măng Đen; tiềm năng về phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh rất mạnh.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cho rằng, với diện tích đất rừng và nông nghiệp lớn như vậy, song tỉnh chưa có nhà máy chế biến gỗ và nhà máy chế biến rau, củ, quả. Điều này khiến tỉnh gặp khó trong việc phát triển lâm nghiệp và các loại rau, củ, cây ăn quả.
“Tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, cùng với tỉnh kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư để giải quyết vấn đề chế biến tại chỗ. Tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Việc có các nhà máy chế biến sẽ giúp cho nền kinh tế của tỉnh, của người dân trên địa bàn phát triển, đặc biệt là đối với người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi ở Kon Tum có tới 55% là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống gặp rất nhiều khó khăn”, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang nói.
Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của các bộ, ngành, sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của người dân địa phương nên sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh Kon Tum cơ bản đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Các đề án như: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, Đầu tư phát triển và chế biến dược liệu, Chương trình mỗi xã một sản phẩm,… được quan tâm, đầu tư phát triển.
Hiện nay, toàn tỉnh có 15/115 Hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 35 sản phẩm OCOP; trong năm 2020 triển khai thực hiện 23 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản với 24 cơ sở quy mô vừa và nhiều cơ sở quy mô nhỏ, lẻ, hộ gia đình; tham gia các hội chợ thương mại tại các tỉnh khác để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như cà phê, sâm Ngọc Linh,…