Cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Thực hiện đồng loạt giải pháp

Để chủ động ứng phó, ngăn chặn kịp thời và kiểm soát được tình hình khi cháy rừng, các địa phương cần tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng và giải pháp phòng, chống khô hạn…

Ông Đặng Hùng Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng:Báo động nguy cơ cháy rừng ở mức độ cao

Cao Bằng là tỉnh miền núi chủ yếu là diện tích đất rừng tự nhiên, trong những năm qua công tác phát triển và bảo vệ rừng đã được quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, công tác bảo vệ rừng vẫn còn tương đối lỏng lẻo, hiện tượng cháy rừng tăng đột biến, khai thác rừng lấy lâm sản vẫn còn diễn biến phức tạp. Cao Bằng cũng là một trong những địa phương được báo động có nguy cơ cháy rừng ở cấp 4, rất nguy hiểm nếu như không có biện pháp phòng, chữa cháy rừng (PCCCR) kịp thời.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện An Biên - An Minh (Kiên Giang) kiểm tra thực bì rừng tràm phòng hộ môi sinh xã Đông Hưng B, huyện An Minh.

Do vậy, ngay từ đầu mùa khô năm nay, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm triển khai các biện pháp PCCCR như chuẩn bị sẵn sàng lực lượng chống cháy, hậu cần, phương tiện ngay tại chỗ để tham gia chữa cháy ngay sau khi phát hiện. Bố trí lực lượng kiểm lâm tuần tra canh phòng thường xuyên trong các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, tuyên truyền phổ biến cho nhân dân để nâng cao công tác chăm sóc bảo vệ rừng, cùng tham gia chữa cháy. Đồng thời thực hiện giao khoán đất rừng trực tiếp cho nhân dân khoanh nuôi quản lý, thực hiện các cam kết với các hộ, thôn bản, nếu gây ra vi phạm về tài nguyên rừng sẽ đưa ra kỷ luật, trường hợp nặng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Vũ Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo (Điện Biên): Thực hiện phát nương phải bảo đảm đúng quy trình

Huyện Tuần Giáo có khoảng 2.000 ha rừng bị hư hại sau đợt rét xảy ra vào cuối tháng 1/2016. Huyện đã làm việc với các xã, đặc biệt là xã Tỏa Tình và Tênh Phông là hai địa phương bị thiệt hại nhiều nhất để có biện pháp khắc phục.

Trước mắt, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động học sinh, các hộ gia đình không sử dụng lửa ở trong rừng. Các hộ gia đình khi dọn, phát nương phải đảm bảo đúng quy trình đó là khi dọn, phát nương người dân cần vun các cành cây, thảm thực vật khô ra đường để đốt tránh nguy cơ lửa lan lên rừng. Đồng thời, khi đốt phải thực hiện trước 10 giờ hàng ngày bởi khi đó những vật liệu cháy chưa bị khô hẳn, vẫn còn ẩm nên nguy cơ lửa lây lan là thấp, việc đốt thảm thực vật khô cũng phải được kiểm soát.

Anh Lờ A Hềnh, Trưởng bản Trống Khua, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái): Củng cố tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng

Để hạn chế cháy rừng trong mùa khô hanh năm nay, xã Lao Chải đã sớm kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR mùa khô hanh năm 2015 - 2016 gồm 23 thành viên và thành lập được 14 tổ đội xung kích tại 14 bản với 70 thành viên. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách từng bản, lịch trực cụ thể, tập trung làm mới các biển, bảng báo cấm chặt phá, bảo vệ rừng, tu sửa các tuyến đường băng cản lửa cũ và làm mới được 12 đường băng cản lửa với tổng số là 46 km tại các điểm có nguy cơ cháy cao. Cùng với đó tăng cường tuyên truyền cho nhân dân về ý nghĩa tầm quan trọng việc bảo vệ và phát triển rừng, hướng dẫn cho nhân dân về cách sử dụng lửa và thời gian đốt nương, xây dựng phương án cụ thể, lịch trực 24/24 giờ, thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.

Tôi thường xuyên tuyên truyền cho vợ con, anh em dòng họ và nhân dân trong bản thực hiện tốt các hương ước, quy ước của xã cũng như của thôn bản, nhất là thực hiện tốt công tác PCCCR, các quy trình đốt nương để đảm bảo cho việc bảo vệ và phát triển rừng mùa khô hanh năm nay.

Ông Nguyễn Ngọc Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông: Xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng

Mùa khô 2015 - 2016, trên địa bàn tỉnh có hơn 110.000 ha rừng có nguy cơ cháy cao, phân bố trải rộng trong toàn tỉnh; trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Đắk G’Long, Cư Jút, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil… Chủ động thực hiện công tác PCCCR trong mùa khô, tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt phương án phòng chữa cháy rừng và quyết liệt chỉ đạo cho các ngành chức năng, các địa phương, chủ rừng thực hiện.

Ngay từ đầu mùa khô, hầu hết các đơn vị, chủ rừng đều xây dựng phương án, kế hoạch PCCCR. Các chủ rừng đã lập kế hoạch phân công và bố trí cán bộ hợp lý phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm thực hiện tuần tra kiểm soát lửa rừng 24/24 giờ trong các tháng cao điểm mùa khô. Từ đó, chủ động phát hiện và dập tắt ngay khi đám cháy mới phát sinh, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Các chủ rừng cũng đầu tư thêm hàng nghìn phương tiện chữa cháy rừng như máy bơm nước, máy quạt gió, cưa lốc, dao, cuốc, xẻng, bình CO2… Tổ chức họp dân, ký cam kết PCCR với người dân nhận quản lý bảo vệ rừng. Cùng với đó, các đơn vị đã xây dựng được gần 170 ha đường băng cản lửa, xây dựng thêm 2 chòi canh lửa rừng, tổ chức phát dọn, đốt non thực bì ở những nơi dễ xảy ra cháy…

Ông Doãn Ngọ Bình, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Uyên (Lai Châu): “Trực chiến” PCCCR

Ngay từ đầu mùa khô, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo đối với công tác bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn huyện. UBND huyện đã ban hành các quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo và tổ đội xung kích bảo vệ rừng của các thôn bản; văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, các chủ rừng trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy của huyện, UBND các xã, thị trấn và các chủ rừng xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng ngay từ đầu mùa khô một cách chi tiết. UBND huyện đã chỉ đạo các xã thuộc vùng đệm vườn Quốc gia Hoàng Liên duy trì và thường trực 24/24 giờ tại tám chốt gác bảo vệ rừng; Ban Chỉ đạo PCCCR huyện, các xã, thị trấn trực cháy rừng theo đúng kế hoạch, lịch phân công, thường xuyên báo cáo kịp thời với UBND huyện khi xảy ra các vụ cháy trên địa bàn huyện. Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, đoàn thể và UBND các thị trấn tổ chức tuyên truyền học tập Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, công tác PCCCR cho người dân.

Ông Lý A Lù, Phó chủ tịch UBND xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái):Nâng cao ý thức

Xã Lao Chải đã tổ chức nhiều hội nghị, tăng cường họp bản để triển khai các biện PCCCR đến với nhân dân ở các bản. Đồng thời tổ chức ký cam kết không mang lửa vào rừng, tổ chức làm chòi huy động nhân dân tham gia canh gác 24/24 giờ tại các chòi.
Đội kiểm lâm phụ trách địa bàn cũng tham mưu và phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở để làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết cho nhân dân về công tác bảo vệ phát triển rừng, PCCCR mùa khô hanh. Đội kiểm lâm cùng các tổ, đội xung kích của xã thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, PCCCR. Lao Chải nói riêng, huyện Mù Cang Chải nói chung tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân về ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ rừng, PCCCR.

Ông Trần trọng Khiêm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng: Sẵn sàng ứng cứu

Ngay từ đầu mùa khô 2016, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy; các phân trường, lâm trường đều có kế hoạch tăng cường kiểm tra bảo vệ rừng, bố trí cán bộ thường xuyên phát dọn kênh mương cho thông thoáng và luôn chuẩn bị sẵn sàng máy móc, phương tiện chữa cháy để kịp thời ứng cứu khi có cháy. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, từ đầu mùa khô đến nay, chỉ xảy ra một vụ cháy nhỏ ở Lâm trường Thạnh Trị trên diện tích gần 1 ha rừng tái sinh, nhưng đã được kịp thời dập tắt và thiệt hại không đáng kể.

Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
V.T
Rừng đặc dụng Copia trước nguy cơ cháy
Rừng đặc dụng Copia trước nguy cơ cháy

Đợt băng giá, mưa tuyết xảy ra vào cuối tháng 1/2016 khiến gần 4.000 ha rừng đặc dụng Copia nằm ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La bị ảnh hưởng nặng nề, hàng loạt cây bị gãy đổ, bật gốc, rụng lá. Đến nay, diện tích rừng này đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN