Đó là các dự án: Bờ kè sông Ba Rày (thị xã Cai Lậy); Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (Đoạn 3), xã Tân Phong, huyện Cai Lậy; Kè chống sạt lở Cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông); Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2); Bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực sạt lở nguy hiểm xã Tân Phong, huyện Cai Lậy; Bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực sạt lở nguy hiểm xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo.
Trong các tháng cuối năm 2023, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục triển khai thêm Dự án xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên sông Cái Bè, huyện Cái Bè có tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến cho biết, nhờ tập trung nguồn vốn, tích cực giải ngân vốn đầu tư công theo tiến độ dự án, hỗ trợ nhà thầu tháo gỡ khó khăn nên các dự án xử lý sạt lở trên địa bàn tỉnh thực hiện thuận lợi. Các gói thầu đẩy nhanh tiến độ, vượt trước kế hoạch được giao và dự kiến sớm hoàn thành, đưa vào phục vụ sản xuất và đời sống, giảm nhẹ thiên tai.
Theo đó, Dự án Bờ kè sông Ba Rày qua thị xã Cai Lậy có 4 gói thầu thì ba gói thầu thực hiện đạt 82% giá trị, gói còn lại đạt 70% giá trị; Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (Đoạn 3) đạt 81% giá trị; Dự án Kè chống sạt lở Cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông) gồm 3 gói thầu trong đó 2 gói đạt tiến độ từ 90 - 93% giá trị, gói còn lại đạt 33% giá trị; Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công (giai đoạn 2) gồm 3 gói thầu có 2 gói thầu hoàn thành và đưa vào sử dụng, gói thầu còn lại đạt 45% giá trị; Dự án Bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực sạt lở nguy hiểm xã Tân Phong, huyện Cai Lậy đã thi công đạt 75% giá trị, còn lại Dự án Bố trí ổn định dân cư khẩn cấp khu vực sạt lở nguy hiểm xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo đến nay đạt trên 80% giá trị.
Ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến đánh giá, với tiến độ này, các dự án xử lý sạt lở sẽ sớm hoàn thành trước thời hạn đề ra, góp phần phát huy hiệu quả phòng, chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương bền vững.
Theo nhận định của ngành chức năng, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển trên địa bàn Tiền Giang ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nặng nhất là khu vực các huyện, thị xã vùng kiểm soát lũ phía Tây nằm đầu nguồn sông Tiền của tỉnh, vùng ven biển Gò Công thuộc địa bàn các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông...
Nguyên nhân sạt lở chủ yếu do địa phương nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; đồng thời do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết và thủy văn diễn biến phức tạp cùng hoạt động phát triển sản xuất - kinh doanh, các tác nhân khác...
Trước mắt, cùng với đầu tư kinh phí, khẩn trương triển khai dự án khắc phục sạt lở, tỉnh Tiền Giang chủ động đưa ra giải pháp ứng phó, phòng chống sạt lở, bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân cũng như công trình kiến thiết hạ tầng nông thôn. Cụ thể, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân chủ động, ngăn ngừa sạt lở thông qua trồng cây chắn sóng, chắn gió, nuôi lục bình gây bồi, tạo bãi, hạn chế nguyên nhân đưa đến sạt lở, bảo vệ vườn cây, nhà cửa, khu dân cư; kiên quyết xử lý trường hợp xây dựng xâm hại hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, lấn chiếm bờ sông, bờ kênh rạch...
Tiền Giang tích cực rà soát, kiểm tra, phân loại mức độ ưu tiên khắc phục điểm sạt lở theo phân cấp quản lý trên cơ sở huy động nguồn lực địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác, tranh thủ sự hỗ trợ Trung ương để xử lý sạt lở một cách căn cơ, mang lại hiệu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Những điểm sạt lở nhỏ do xã đầu tư khắc phục, điểm lớn hơn do cấp huyện đầu tư và điểm phức tạp tỉnh sẽ đầu tư.
Ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến cho biết thêm, do ngân sách tỉnh có hạn trong khi diễn biến sạt lở rất phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại, tỉnh đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ địa phương triển khai thêm 6 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp trên địa bàn, có tổng vốn đầu tư ước khoảng 1.183 tỷ đồng.