Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Quy hoạch ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu
Chúng ta cần nhìn nhận biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất; tổ chức, sắp xếp lại không gian phát triển vùng theo hướng hiệu quả, bền vững, điều chỉnh hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn phù hợp; coi nước, đất và đa dạng sinh học là ba trụ cột chính để phân vùng hợp lý; coi kinh tế biển là một động lực quan trọng cho sự phát triển của vùng. Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, làm cơ sở để phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ...; thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp đảm bảo canh tác bền vững, chú trọng giá trị kinh tế thay cho sản lượng. Trên cơ sở đó, việc lập quy hoạch tổng thể vùng phải theo hướng tích hợp đi trước một bước và làm tiền đề cho việc xác định các ưu tiên phát triển, cũng như các chương trình, dự án cụ thể.
Trong quy hoạch cần chú ý đến những vấn đề mang tính cốt lõi như: quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước, cần coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên... Cân nhắc diện tích trồng lúa theo hướng giảm dần cả về sản lượng và diện tích lúa vụ 3 để chuyển đổi sang các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; Hạn chế khai thác nước ngầm một cách tùy tiện, đồng thời xem xét các giải pháp bù đắp nước ngầm như xây dựng thêm các hồ chứa... Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, ngân sách nhà nước đã dự kiến phân bổ cho các dự án đầu tư phục vụ cho các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL là gần 91.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu tối thiểu cho vùng để khắc phục các thiệt hại gây ra bởi biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng chống chịu đối với các tác động cực đoan trong giai đoạn này là 105.000 tỷ đồng, chưa tính đến nhu cầu đầu tư khoảng 43.000 tỷ đồng cho các dự án thủy lợi, cấp nước, xử lý nước thải...
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Thay đổi tư duy, thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ
Đã đến lúc cần thay đổi nhận thức vùng ĐBSCL như một thể thống nhất; quá trình chuyển đổi mô hình phát triển phải được xem xét trong tổng thể chung của đồng bằng, trong mối liên kết chặt chẽ với vùng TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong Tiểu vùng sông Mê Kông. Trong đó phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng. Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực và theo lưu vực. Coi nước lợ và nước mặn là nguồn tài nguyên, bên cạnh nguồn tài nguyên nước ngọt. Việc chuyển đổi mô hình phải dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên; phải kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống bản địa.
Trên cơ sở đó thời gian tới các ngành chức năng sẽ tiến hành rà soát và hoàn thiện đồng bộ, chính sách, chiến lược, quy hoạch. Cụ thể thống nhất với đề xuất quy hoạch phân vùng theo 3 vùng sinh thái cùng với các dự án ưu tiên không hối tiếc cho 3 vùng như đề xuất trong Kế hoạch ĐBSCL; Xây dựng quy hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực của ĐBSCL; Xây dựng mô hình kinh tế́ phù hợp với tự nhiên, chủ động sống chung với mặn, hạn như từng sống chung với lũ; tạo chuỗi giá trị khép kín, chủ động từ khâu sản xuất giống, bảo quản chế biến và phân phối...
GS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình KH và CN phục vụ xây dựng nông thôn mới: Đưa khoa học và công nghệ vào phục vụ nông thôn mới
Đối với ĐBSCL, các yếu tố bền vững của nông nghiệp càng trở nên bức thiết, gắn kết chặt chẽ với nhau, khi khu vực này do đặc thù địa lý, đang phải chịu những tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu. Giải pháp ứng phó để triển khai nền nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL phải là tổng hòa của nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp về hạ tầng thủy lợi, giải pháp về tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu ngành và các giải pháp khác thuộc nhiều lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội...
Để phát triển nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL, chúng ta cần thống nhất nhận thức, rằng biến đổi khí hậu là quá trình không thể đảo ngược, việc khai thác lưu vực sông Mê Kông gây bất lợi là không tránh khỏi. Từ đó phải tìm ra những giải pháp tối ưu trong xây dựng và vận hành các hệ thống thủy lợi, cống, đập, hồ để giảm thiểu, khắc chế những tác động bất lợi nói trên, đồng thời phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp cả trong cách tổ chức sản xuất và lựa chọn cơ cấu mùa vụ, cây con. Chúng ta cần phải phát huy cao hơn năng lực thiết kế của hệ thống thủy lợi so với mức - 75% hiện nay bằng những giải pháp xây dựng thủy lợi nội đồng.
Đặc biệt, cần phải nghiên cứu đồng bộ các giải pháp có tính bổ trợ lẫn nhau, một mặt cải thiện môi trường vùng đất nhiễm mặn phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, đồng thời ngăn chặn các nguyên nhân gây lún sụt, sạt lở, xâm nhập mặn. Từ đó hoạch định xây dựng hạ tầng thủy lợi và tổ chức sản xuất nông nghiệp đảm bảo tăng trưởng xanh, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân, môi trường nông thôn, nước sinh hoạt ở ĐBSCL. |