Hơn 70 tuổi đời với cuộc sống kinh tế khá ổn định, các con đã thành đạt, ông Ma Thanh Sợi, Bí thư chi bộ thôn Bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, Lào Cai vẫn hăng say với công tác văn hóa - xã hội. Ông là người có uy tín trong lòng đồng bào dân tộc thiểu số, rất được bà con địa phương nể trọng. “Tâm nguyện của tôi là làm những việc đem lại lợi ích cho người dân, giúp bà con hiểu được những việc làm ý nghĩa khi tham gia xây dựng quê hương. Khi địa phương phát động phong trào, trước tiên tôi đứng ra giải thích cho bà con hiểu phong trào đó sẽ mang đến những quyền lợi gì, từ đó bà con hiểu và tham gia rất nhiệt tình”, ông Sợi chia sẻ.
Ông Ma Thanh Sợi, Bí thư chi bộ thôn Bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, Lào Cai. |
Bản Rịa nằm phía Đông Nam xã Nghĩa Đô liền kề với trung tâm xã cách trung tâm huyện Bảo Yên 25km, có 100% là đồng bào dân tộc Tày làm nghề thuần nông, phong tục tập quán còn lạc hậu như: thói quen không dùng nhà vệ sinh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc gần nhà, vệ sinh môi trường không được sạch sẽ, gọn gàng, đám tang còn tổ chức dài ngày... Do vậy, việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới còn gặp rất nhiều khó khăn.
Với vai trò là Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ tuyên vận của thôn, ông Sợi xác định để giúp người dân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền vận động người dân mà phải kết hợp với các việc làm cụ thể.
Bà con xã Bản Bo, huyện Tam Đường thu hái chè Kim Tuyên. Ảnh: Tùng Phương - CTV/TTXVN |
Tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất trong xây dựng nông thôn mới không chỉ ở các xã vùng cao vùng sâu của tỉnh Lào Cai mà còn là của cả địa bàn vùng thấp như Nghĩa Đô. Sau nhiều lần suy nghĩ, trăn trở băn khoăn làm thế nào để đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trước tình trạng rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường, ông Sợi đã thử nghiệm xây lò đốt rác để xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày, môi trường nơi đây đã trở nên trong lành, sạch sẽ hơn. Loại lò này chi phí không lớn (khoảng 200.000 đồng/lò) nên bất cứ hộ dân nào cũng có thể xây được. Lò đốt rác cải tiến này gồm: Bộ phận hong rác, khoang đốt chứa rác, cửa hút gió, ống khói. Với thiết kế như trên, rác được đốt triệt để mà không cần dùng xăng dầu.
"Với phương châm đảng viên đi trước làng nước theo sau, tôi cùng các thành viên trong tổ tuyên vận, đảng viên trong bản làm trước để làm gương cho các hộ dân làm theo đồng thời đến từng nhà tuyên truyền về lợi ích của việc thu gom rác thải. Mưa dầm thấm lâu, những lời tuyên truyền đúng đắn dần dần được người dân hiểu và thực hiện. Bây giờ đã thành nền nếp và thói quen rồi. Đến nay, toàn thôn có hơn 80% hộ dân sử dụng lò đốt rác cải tiến hộ gia đình. Đường làng, ngõ xóm đang sạch đẹp lên từng ngày” - ông Sợi phấn khởi nói.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, đến nay, thôn đã có 45 hộ xây dựng được mô hình kinh tế thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong bản giảm, vận động người dân ủng hộ 23 triệu đồng và hàng nghìn ngày công, đổ gần 1.000m đường giao thông nông thôn, 100% các hộ gia đình trong thôn bản có nhà tiêu hợp vệ sinh, các hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám tang và lễ hội dần được loại bổ, nhận thức của người dân về xây dựng nếp sống mới được nâng cao, thôn giữ vững phong trào an toàn, an ninh các vụ mâu thuẫn đều được giải quyết tại thôn, không có đơn thư khiếu kiện lên cấp trên, không có các hiện tượng tiêu cực xã hội xảy ra, đạt bản văn hóa, khu dân cư tiên tiến.
Không chỉ đi đầu trong công tác xã hội, sau nhiều năm miệt mài và kiên trì với sưu tầm kho tàng văn hóa dân gian của người Tày vùng Nghĩa Đô, ông Sợi đã được phong danh hiệu nghệ nhân. Ở vào tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn đang nỗ lực chạy đua cùng thời gian để tìm lại và bảo tồn kho báu của dân tộc mình.
Nói về động lực thôi thúc bản thân tìm lại "kho trầm tích" ẩn chứa bao điều bí ẩn về văn hóa phi vật thể của người Tày bản Rịa - Nghĩa Đô trong những năm qua, ông Sợi tâm sự: "Nhiều nghệ nhân cao tuổi đã đem theo cả một kho tàng văn hóa quý báu vào lòng đất. Văn hóa truyền thống của người Tày cứ thế mất dần, mất mòn, nhiều thể loại đã mất hẳn như lời hát ru, lời gạ, nghệ thuật đồng dao, câu đố… Nhiều người Tày trẻ không hề biết về văn hóa dân tộc mình. Khi xã hội phát triển quá nhanh, người trẻ thường cho cái gì của đồng bào mình có trước là lạc hậu, bảo thủ, bỏ đi, tiếp thu cái mới…".
Ông Sợi cho biết, những ngày đầu, công việc sưu tầm hết sức khó khăn. Vì đây là các công trình dân gian truyền miệng, việc sưu tầm của ông là nhớ lại và ghi chép lại theo trí nhớ. Ông Ma Thanh Sợi đã và đang sưu tầm 12 chuyên đề về vùng đất Nghĩa Đô (các địa danh tên gọi, tập quán trong việc cưới, việc tang lễ hội, văn hóa làm nhà, dựng nhà sàn, ẩm thực…).
Bằng phương pháp nghiệp vụ bảo tồn văn hóa truyền thống tại địa phương do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai hướng dẫn, ông Sợi đã sưu tầm ghi chép được hơn 500 câu tục ngữ, thành ngữ, sưu tầm được 18 truyện cổ trong hệ thống văn hóa dân tộc Tày, chép tay hơn 5.000 trang tài liệu nghiên cứu về những nét đẹp văn hóa của đồng bào Tày. Trong đó, chủ yếu là kinh nghiệm trong cuộc sống và răn dạy con người về truyền thống gia đình, sự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, tình yêu quê hương đất nước…"Được nhân dân yêu quý là tài sản quý giá nhất của người cán bộ, tôi phải tự nhủ mình cần sống sao cho xứng đáng với 3 chữ Người uy tín", ông Sợi bộc bạch.
Hiện nay, những nhân tố có uy tín trong cộng đồng các dân tộc vùng cao Lào Cai nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung đã và đang đóng góp sức lực và trí tuệ và sự ảnh hưởng tích cực của bản thân tới sự phát triển chung của cộng đồng và đất nước, giúp Tây Bắc phát triển ổn định, bền vững, thiết lập thế trận lòng dân vững chắc. Họ xứng đáng được tôn vinh và ghi nhận. Với những cống hiến không nhỏ cho địa phương những năm qua, ông Ma Thanh Sợi đã được vinh dự đại diện cho gần 1.500 người uy tín Lào Cai tham gia Lễ tuyên dương người uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc năm 2016 tại Phú Thọ.