Năm 2017, tỉnh Trà Vinh đề ra mục tiêu phát triển 16 – 20 hợp tác xã kiểu mới; trong đó, có 12 hợp tác xã được chọn tại các xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới làm thí điểm theo Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2016-2020 ”, theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Nông dân huyện Cầu Ngang thu hoạch lạc vụ đông xuân. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN |
Ông Lê Hoàng Y, Chủ tịch Liên Minh hợp tác xã tỉnh Trà Vinh cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể của tỉnh đang xúc tiến triển khai công tác đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã, như: các chức danh trong Hội đồng quản trị, giám đốc, ban kiểm soát, kế toán và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ.
Đồng thời, xây dựng chương trình trợ giúp hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh; trong đó, tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đào tạo, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đề xuất các ngành liên quan hỗ trợ cho các hợp tác xã tham gia hội chợ triển lãm, tìm kiếm, mở rộng thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu để tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ ưu tiên dành nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã và phối hợp với Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh để xem xét thẩm định, giải ngân vốn vay đối với các hợp tác xã có những dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả và giải quyết được nhiều lao động tại địa phương.
Ngoài ra, tranh thủ nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án kể cả vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để xây dựng cơ sở hạ tầng nơi có nhiều hợp tác xã, ở các vùng tập trung chuyên canh sản xuất hàng hóa, cánh đồng lớn, tạo điều kiện để hợp tác xã giao thương, nâng cao giá trị sản phẩm đầu ra.
Năm 2016, tỉnh Trà Vinh đã phát triển mới 16 hợp tác xã, củng cố 78 hợp tác xã. Như vậy, toàn tỉnh hiện có 94 hợp tác xã với 2 8.104 thành viên tham gia, với tổng số vốn điều lệ gần 109 tỷ đồng.