Theo đánh giá tại hội thảo “Triển vọng và nông nghiệp công nghệ cao” thuộc chuỗi các hoạt động bên lề Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại tỉnh Gia Lai vừa qua, các nhà chuyên môn đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh, giá trị kinh tế mang lại của các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh chưa thực sự “xứng tầm” với tiềm năng sẵn có bởi sản phẩm chỉ mới dừng lại ở sản xuất thô hoặc chế biến manh mún (chỉ đạt từ 2 – 5 %).
Cũng theo các nhà chuyên môn, chính hạn chế này lại là tiềm năng rất lớn để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vào tỉnh.
Có lợi thế về diện tích cao su (khoảng 110.000 ha), hồ tiêu (khoảng 15.000 ha), cà phê (hơn 80.000 ha) lớn nhất, nhì cả nước cùng với các vùng chuyên canh cây nông nghiệp ngắn ngày rộng lớn gắn với các công trình thủy lợi, tỉnh Gia Lai đang tập trung mời gọi và ưu tiên tạo cơ chế thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Việc mời gọi đầu tư này vào tỉnh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế đúng với tiềm năng sẵn có.
Điểm sáng cho tiền đề tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Gia Lai đó là tỉnh đã trao quyết định về chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án phát triển nông nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng. Đó là các dự án: Khu thực nghiệm nuôi bò thịt, dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án Cụm nhà máy chế biến dược liệu, thực phẩm Trường Sinh và dự án nâng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 18.000 tấn mía/ngày.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết sẽ có cơ chế hỗ trợ tích cực cho các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây chính là tín hiệu vui tạo bước đột phá để ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai phát triển theo hướng chuỗi liên kết, chất lượng, bền vững và hiệu quả trong thời gian tới.