Nhiều vướng mắcĐã hơn 5 năm triển khai chi trả DVMTR nhưng đến nay tình trạng chây ì, trì hoãn kê khai, chậm nộp tiền của một số đơn vị sử dụng dịch vụ (chủ yếu là các nhà máy thủy điện) đã dẫn đến việc nợ đọng tiền DVMTR kéo dài.
Rừng tại tiểu khu 181 thuộc xã Đăk Kan huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã bị các đối tượng khai thác vàng chặt phá. |
Đến tháng 12/2015, một số đơn vị sản xuất thủy điện nhỏ, không thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa nộp đủ tiền DVMTR cả năm với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng, chưa kể lãi chậm nộp và còn 6 dự án của 5 đơn vị khi nợ tiền trồng rừng thay thế hơn 11,2 tỷ đồng. Việc chậm trễ khiến các doanh nghiệp không có tiền DVMTR từ tháng 1 - 4/2011 và lãi chậm nộp để có nguồn kinh phí chi trả.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông cho biết: Đã 6 tháng đầu năm 2016 nhưng vấn đề tài chính của năm cũ vẫn chưa xác định xong. Cụ thể số tiền năm 2011 - 2012 vẫn chưa chốt. Hiện tiền vẫn cấp bổ sung nên việc chi trả của doanh nghiệp vẫn chưa dứt điểm. Đơn giá chung đối với lưu vực vẫn chưa xác định cụ thể vì còn phụ thuộc tổng thu của Quỹ (do các nhà máy thủy điện nộp), dù đơn giá tối thiểu đã có.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, UBND các xã, thị trấn là đối tượng có diện tích rừng cung ứng DVMTR tương đối nhiều. Tuy nhiên năng lực về công tác quản lý, bảo vệ rừng, lập kế hoạch, kiểm tra, nghiệm thu còn hạn chế, làm ảnh hưởng chung đến công tác chi trả DVMTR. Một số doanh nghiệp chi trả tiền qua cộng đồng còn nhiều bất cập. Theo ông Nguyễn Thanh Bình hiện tại đơn vị đang giao khoán quản lý, bảo vệ 8.000 ha cho 12 cộng đồng trên địa bàn ở các xã Hiếu, Măng Cành... Tuy nhiên cộng đồng không có tư cách pháp nhân nên khi có vụ việc doanh nghiệp khó xử lý. “Nếu có những hộ vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng doanh nghiệp không thể đưa cả cộng đồng ra giải quyết”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Ở một số địa phương trong tỉnh, cùng là rừng nhưng không phải tất cả đều được hưởng. Giá trị giao nhận khoán ở mỗi lưu vực cũng khác nhau. Tại các huyện Sa Thầy, Ia Hdrai…, nhiều diện tích rừng không được hưởng tiền DVMTR vì không thuộc lưu vực được hưởng (toàn tỉnh có khoảng 60% diện tích rừng được hưởng), trong khi ở huyện Kon Plông thì rừng ở các xã Đăk Tăng, Măng Bút, Măng Cành được hưởng tiền khoán cao hơn các xã còn lại. Diện tích rừng ở sông Sê San được hưởng tiền DVMTR cao hơn các nhánh sông khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum (phụ thuộc số lượng nhà máy thủy điện nhiều hay ít). “Dân đã hiểu lầm mà chúng tôi rất khó giải thích. Chúng tôi chỉ biết phối hợp với chính quyền, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu”, ông Nguyễn Thanh Bình thừa nhận.
Lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết: Theo quy định số 40/2015/NĐ-CP Nghị định của Chính phủ thì việc xác định mốc thời gian để xử phạt vi phạm hành chính về chi trả DVMTR có hiệu lực từ ngày 20/6/2015 nên các đơn vị thủy điện nợ tiền chi trả DVMTR từ năm 2011 trở về trước sẽ không thể áp dụng xử phạt vi phạm chi trả DVMTR nên rất khó trong công tác đòi nợ và xử lý vi phạm.
Để Kon Tum thêm xanhQua 5 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR, tỉnh Kon Tum đã có những đánh giá tích cực từ dịch vụ này. Từ trước năm 2010, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ rừng còn hạn chế, các hoạt động bảo vệ rừng của các chủ rừng chưa được đầu tư tương xứng, đời sống của người tham gia quản lý bảo vệ rừng hết sức khó khăn, nhận thức của người dân vào công tác quản lý bảo vệ rừng chưa cao; chưa huy động được nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Do vậy, việc chi trả DVMTR đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tạo nguồn lực tài chính bền vững để đầu tư cho công tác quản lý và bảo vệ rừng. Đời sống của người làm nghề rừng được cải thiện, tạo được sự đồng thuận trong dân, nhất là cộng đồng dân cư, người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ có chính sách chi trả DVMTR mà tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phát rừng làm nương rẫy và các vi phạm khác về rừng đã giảm qua từng năm. Cụ thể năm 2011 toàn tỉnh Kon Tum có 528 vụ, đến 2015 còn 33 vụ; diện tích rừng bị phá từ hơn 84 ha xuống còn 8,8 ha. Diện tích rừng bị cháy giảm từ 321 ha xuống còn 34 ha… Theo ông Nguyễn Thanh Bình, nguồn tiền trên đã giúp công ty ổn định về tài chính, tạo điều kiện hộ gia đình, cộng đồng ký hợp đồng với doanh nghiệp, tạo thu nhập cho dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Đến nay tổng diện tích rừng cung ứng DVMTR là trên 360.000 ha, đạt khoảng 60% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Tổng số tiền giải ngân trong 5 năm là hơn 548 tỷ đồng.
Trong 5 năm, đã có gần 52 tỷ đồng được chi trả trực tiếp đến hộ dân, cộng đồng với đơn giá bình quân hơn 330.000 đồng/ha/hộ dân. Việc hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. |