Liên kết cùng sản xuất
Nhiều hộ dân ở xã Thắng Sơn, huyện Tân Sơn không còn giữ lối chăn nuôi theo tập quán lạc hậu, tự cung tự cấp như những năm trước, giờ đây đã đổi mới tư duy, chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung theo chuỗi liên kết, đầu tư con giống chất lượng, chuồng trại bài bản.
Chị Nguyễn Thị Hoa, khu Đa Nghệ xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn cho biết, năm 2012 gia đình chị mua lại 2ha đất trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả chuyển sang đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn thương phẩm theo hướng công nghiệp. Gia đình chị ký hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi CP Group nuôi trên 1.000 con lợn thương phẩm. Phía Công ty cung cấp toàn bộ giống lợn ngoại đạt tiêu chuẩn, thức ăn, thuốc thú y, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nhờ liên kết sản xuất, gia đình chị Hoa đã giảm được tối đa những rủi ro trong chăn nuôi và hoàn toàn yên tâm về thị trường, không lo giá lợn lên xuống như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Mỗi năm trang trại của gia đình chị xuất hàng nghìn tấn sản phẩm thịt lợn an toàn ra thị trường, thu về hàng tỷ đồng.
Phú Thọ được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc về chăn nuôi, với trên 282.000 nông hộ tham gia sản xuất chăn nuôi. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN |
Ông Đinh Quang Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Thắng Sơn phấn khởi cho biết, toàn xã có 7 trang trại nuôi lợn quy mô lớn; trong đó có 4 trang trại đang phát triển theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất, 3 trang trại đang đầu tư xây dựng với quy mô từ 1.000 con trở lên. Là xã thuần nông, nên xã tiếp tục khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại có xử lý chất thải để dần hình thành vùng phát triển sản xuất chăn nuôi tập trung.
Tại xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba có hàng chục hộ nuôi gà tự liên kết chăn nuôi, giúp giảm được giá thành trong chăn nuôi, ổn định đầu ra, tạo ra sảm phẩm an toàn. Theo anh Nguyễn Thanh Sự, gia đình anh đang liên kết với 16 hộ dân trong xã nuôi giống gà ri, riêng gia đình anh nuôi trên 20.000 con, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh và các hộ liên kết với nhau theo chuỗi từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đến quy trình kỹ thuật. Liên kết này đã giúp ổn định giá thành đầu ra, sản xuất kinh doanh có lãi. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chủ tịch xã Đỗ Sơn cho biết, xã đã thành lập hợp tác xã chăn nuôi thu hút gần 20 thành viên tham gia. Hợp tác xã đứng ra tổ chức, lập kế hoạch cung cấp đầu vào từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y và tìm đầu ra cho sản phẩm gà tạo thành chuỗi liên kết chăn nuôi có hiệu quả.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, hiện nay tỉnh có 25 trang trại có hình thức liên kết với các công ty nước ngoài như: CP Group, RYD, Japacomfeed. Bên cạnh đó, còn có hàng trăm hộ chăn nuôi khác tự liên kết với nhau. Các mô hình này đã bước đầu hình thành được các chuỗi liên kết từ khâu cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến, tiêu thụ với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Mô hình liên kết này cũng đã mở ra hướng chăn nuôi mới, giúp người dân giảm được rủi ro trong chăn nuôi, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và phần nào đã giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Hướng tới chăn nuôi bền vững
Phú Thọ được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc về chăn nuôi, với trên 282.000 nông hộ tham gia sản xuất chăn nuôi trồng trọt. Song phần lớn các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên khó xây dựng được các chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, các sản phẩm chăn nuôi an toàn có nguồn gốc vẫn phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, dẫn đến không cạnh tranh được giá bán. Do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tác động mạnh tới người chăn nuôi để mở rộng sản xuất và nhân rộng các mô hình liên kết từ sản xuất đến thị trường.
Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2020, nâng tổng đàn lợn lên 860.000 con, đàn bò 110.000 con, trâu lên 69.000 con và đàn gà lên 13,2 triệu con, tăng từ 0,61 đến 2,47%/năm; đưa tổng sản lượng thịt đạt 166.000 tấn, tăng 35.000 tấn so với năm 2014, đạt tốc độ tăng trưởng gần 4% năm… |
Tỉnh cũng chưa có cơ chế, chính sách riêng cho việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm nên cũng gây ra trở ngại lớn đến các hoạt động cần kinh phí để triển khai xây dựng chuỗi liên kết. Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi, nên việc liên kết thiếu bền vững. Mặt khác, chăn nuôi an toàn có nguồn gốc đang phải cạnh tranh với các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc tràn lan trên thị trường.
Ông Từ Anh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết, để xóa bỏ quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, dần hình thành các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững, ngành nông nghiệp xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi đồng bộ; phát triển chăn nuôi thành vùng tập trung hàng hóa, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi thú y; đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Đồng thời chú trọng chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang phát triển trang trại chăn nuôi; quy hoạch trang trại chăn nuôi gắn với đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến; mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho các chủ trang trại.
Cùng với đó, tỉnh sẽ quy hoạch các điểm chăn nuôi tập trung để thu hút các dự án có quy mô lớn vào đầu tư. Đồng thời tiếp tục có chính sách tác động phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, hình thành được vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện: Cẩm Khê, Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng, Thanh Ba, Thanh Thủy, Yên Lập, Hạ Hòa. Tỉnh cũng tập trung chăn nuôi lợn ngoại hướng nạc để nâng cao giá trị ngành chăn nuôi tại các huyện Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ....
Tỉnh còn mở rộng nuôi gà hướng trứng, thịt theo quy trình sản xuất công nghệ cao; chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn, gà nhiều cựa quy mô hộ gắn với thị trường Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng; cơ cấu lại diện tích để trồng cỏ, trồng ngô phát triển chăn nuôi bò thịt tập trung…