Theo đó, Lâm Đồng sẽ được xây dựng, phát triển thành vùng kinh tế động lực của Tây Nguyên, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; là trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch canh nông, du lịch văn hóa – di sản – danh lam thắng cảnh tầm cỡ quốc gia và quốc tế; phát triển đô thị – nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…
Phạm vi quy hoạch được áp dụng trên toàn bộ tỉnh Lâm Đồng, gồm 2 thành phố là Đà Lạt và Bảo Lộc, 10 huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đam Rông, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai; trong đó, định hướng phát triển không gian vùng được chia thành 7 nội dung gồm phân vùng phát triển kinh tế, cấu trúc không gian vùng, định hướng phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn, định hướng tổ chức hệ thống dân cư nông thôn, định hướng phát triển công nghiệp, định hướng phát triển các vùng du lịch, định hướng phát triển vùng nông nghiệp.
Về phân vùng phát triển kinh tế, Lâm Đồng được phân thành 3 tiểu vùng. Tiểu vùng 1 gồm thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận (thành phố Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà) là vùng kinh tế động lực của tỉnh. Phân vùng này sẽ phát triển theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm. Tiểu vùng 2 là vùng đệm sinh thái, bao gồm huyện Di Linh, Đam Rông và phía tây huyện Lâm Hà. Tiểu vùng 3 là vùng động lực kinh tế phía tây nam của tỉnh, gồm thành phố Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
Về định hướng phát triển hệ thống đô thị, tỉnh Lâm Đồng sẽ có 19 đô thị; trong đó, thành phố Đà Lạt là đô thị loại I, đáp ứng các tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của trục kinh tế Nam Tây Nguyên. Thành phố Bảo Lộc là đô thị loại II, là đô thị hạt nhân phía nam tỉnh Lâm Đồng.
Ngoài ra, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng cũng có định hướng cụ thể trong phát triển hạ tầng xã hội; phát triển hạ tầng kỹ thuật; đánh giá môi trường chiến lược; các chương trình dự án ưu tiên đầu tư…
Theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thông qua đồ án quy hoạch này sẽ tạo điều kiện để Lâm Đồng phát triển kinh tế nông nghiệp, văn hoá du lịch, hướng tới phát triển bền vững từ đô thị đến nông thôn và tiến tới trở thành một địa phương mạnh về kinh tế để sánh ngang với các tỉnh, thành khác trong khu vực. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để từng bước triển khai đồ án quy hoạch này nhằm mục tiêu phát triển Lâm Đồng thành vùng kinh tế động lực ở Tây Nguyên.