Chan chứa nghĩa tình
Những người lính cụ Hồ đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thắt chặt tình quân dân như thăm hỏi, giúp đỡ sửa nhà, trang hoàng nhà cửa, tặng quà cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số... Những việc làm đầy ý nghĩa này đã mang không khí Tết đến sớm, lan tỏa khắp các tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Quân dân cùng nấu bánh tét trong Chương trình Tết Quân - Dân ở TP Cần Thơ. Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Xuân này, gia đình anh Tống Văn Thanh, một hộ nghèo ở ấp Sông Cái 2, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng tràn ngập niềm vui khi vừa được trao “chiếc cần câu” là con dê cái sắp cho thêm một dê con. Niềm vui này đến với anh từ tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Mỹ Xuyên. Thượng tá Huỳnh Minh Hoàng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Mỹ Xuyên, phấn khởi cho biết: “Phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, lực lượng vũ trang huyện đã phát động phong trào chung tay hỗ trợ đồng chí, đồng đội và các hộ nghèo nhằm tạo điều kiện cho họ vươn lên, vượt khó.
Theo đó, phong trào đã nhận được sự tình nguyện ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ và của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, đóng góp xây dựng quỹ từ tiền lương, phụ cấp và ngày công lao động qua các đợt huấn luyện tập trung. Từ nguồn quỹ này, Đảng ủy, Ban Chỉ huy quân sự huyện còn trích thêm quỹ phúc lợi của đơn vị để mua 12 con dê với tổng trị giá 48 triệu đồng tặng cho 12 gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc Khmer nghèo, giúp các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, có thêm niềm vui, niềm tin vào cuộc sống”.
Đồng bào nghèo và gia đình nạn nhân da cam phường 5, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre được nhận quà trong dịp Tết Nguyên Đán Bính Thân 2016. Ảnh: Thế Anh - TTXVN |
Tại tỉnh Sóc Trăng, các cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên đã đi thăm, tặng 270 phần quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, bàn giao 10 căn nhà Đại đoàn kết, 20 xe đạp cho học sinh nghèo, 30 suất học bổng và 50 chiếc điện thoại di động, khám chữa bệnh cấp thuốc cho bà con, tổ chức Hội chợ Xuân, đưa hàng về nông thôn phục vụ nhân dân, tổ chức triển lãm những thành tựu xây dựng NTM... Ngoài ra, còn tổ chức các trò chơi dân gian, hội thi gói bánh tét, thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân trong những ngày xuân về, Tết đến.
Như thông lệ, Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Long chuẩn bị 130 phần quà với mỗi phần trị giá 230.000 đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm động viên và hỗ trợ trẻ em nghèo vui xuân, đón Tết. Còn tại Cà Mau, tỉnh đã dành hơn 34 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, họp mặt, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, lực lượng vũ trang... trong tỉnh. Theo đó, với những đối tượng chính sách, ngoài phần quà của Trung ương, tỉnh tặng thêm 200.000 đồng/người... Những người già cô đơn đang hưởng trợ cấp cộng đồng, trẻ em mồ côi đang được nuôi dưỡng tại cộng đồng, trẻ em lang thang sẽ được tặng tiền ăn và 1 bộ quần áo trị giá 350.000 đồng/người; đối tượng hưu trí được tặng 500.000 đồng/người... Những hộ nghèo trên địa bàn cũng được tặng 400.000 đồng/hộ, hộ cận nghèo được tặng 350.000 đồng/hộ.
Ban vận động quỹ “Vì người nghèo” tỉnh An Giang đã trích quỹ hỗ trợ 1.545 phần quà cho các hộ nghèo trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trao 296 căn nhà cho các hộ nghèo. Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang phát động phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” nhằm vận động ít nhất 30.000 suất quà Tết với trị giá mỗi suất 300.000 đồng để trao tặng cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… để có thể đón Tết Bính Thân vui vẻ, hạnh phúc.
Tết về trên phum sóc
Trở lại xã Đại Tâm - một xã nông thôn mới (NTM) có đông đồng bào Khmer sinh sống của huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) vào những ngày này, không khí chuẩn bị đón Tết đang diễn ra rộn ràng. Nhiều hộ gia đình Khmer chia sẻ với chúng tôi: Cũng như các lễ hội truyền thống Oóc Om Bóc, Đôn ta, Tết Chôl Chnăm Thmây… khi mỗi độ xuân về, đồng bào Khmer ở nhiều nơi của vùng ĐBSCL cũng rất háo hức đón Tết Nguyên đán như một ngày Tết của dân tộc mình.
Dọc con đường liên ấp, nhiều gia đình đã sơn phết, trang trí nhà cửa. Trong mùa xuân mới Bính Thân 2016, niềm vui đón xuân mới được nhân lên gấp bội lần vì tháng 10/2015 vừa qua xã Đại Tâm đã được công nhận xã NTM. Sau 5 năm xây dựng NTM, bằng nhiều nguồn lực, xã Đại Tâm đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng hàng chục công trình thủy lợi, các tuyến đường liên xã, liên ấp được bê tông hóa, trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh sống cho người dân. Ông Chung Kim Hoàng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Đại Ân, vui mừng nói: “Trước đây, việc sản xuất của người dân khó khăn, năng suất không cao do máy móc thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn, thương lái ép giá. Đến nay, phum sóc đã có đường bê tông nối liền các ấp, người nghèo được kéo điện miễn phí và hỗ trợ vốn, phát triển sản xuất, để thoát nghèo”.
Những ngày này, nhiều hộ nông dân ở xã Đại Tâm đang tất bật trồng cây màu, chủ yếu là các loại cây ngắn ngày như: hành lá, xà lách, ớt, hẹ, mướp đắng, dưa hấu, hành tím… để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Bên vườn trồng bông cải xen với ớt có diện tích gần 2.000 m2, ông Triệu Minh Hiền khoe: Vụ màu năm nay hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. “Nếu mức khoảng 6.000 đồng/kg bông cải và trên 10.000 đồng/kg ớt được giữ ổn định thì vụ màu Tết này, gia đình tôi sẽ kiếm được trên 5 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Năm nay gia đình tôi sẽ đón xuân đầm ấm rồi”, ông Hiền xúc động nói.
Niềm vui của nhân dân xã Đại Tâm đã minh chứng cho hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai tại vùng ĐBSCL. Nhìn lại chặng đường 5 năm xây dựng NTM của tỉnh Sóc Trăng, đến nay có 82 xã nằm trong Chương trình xây dựng NTM, trong đó có 22 xã được chọn là xã điểm để thực hiện phong trào. Từ phong trào này, bộ mặt nông thôn Sóc Trăng, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer, vùng sâu vùng xa của tỉnh đã thay đổi nhanh chóng, đời sống kinh tế của người dân phát triển nhanh; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm còn dưới 9%; văn hóa tinh thần được cải thiện đáng kể. Nếu tính toàn vùng ĐBSCL, đến nay, Chương trình xây dựng NTM đã có bình quân mỗi xã đạt gần 14/19 tiêu chí. Có 4 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Đồng thời, thời gian qua Chính phủ thực hiện nhiều chính sách, quan tâm tới đồng bào dân tộc nên tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ước giảm từ 3 - 4% so với năm 2014.
Xây dựng NTM là bước đi vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Năm 2011, Đại hội Đảng lần thứ XI diễn ra trong không khí cả nước dồn lực thực hiện giai đoạn 1 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã vẽ lên bức tranh nông thôn khởi sắc rõ nét, thu nhập của người dân nông thôn năm 2015 tăng gần 2 lần so với năm 2010. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII này đã tiếp tục khẳng định ý chí, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân sẽ chung sức đồng lòng xây dựng NTM giai đoạn 2. Chính vì thế, mùa xuân năm nay và nhiều mùa xuân tiếp theo nữa sẽ về trên vùng châu thổ Cửu Long trong những vụ mùa ấm no, hạnh phúc.