Theo Yahoonews, Ấn Độ có nhiều thành phố ô nhiễm nhất trong danh sách nói trên với 46 thành phố. Trung Quốc có 42 thành phố, còn Pakistan có 6, Bangladesh có 4, Indonesia có 1 và Thái Lan có 1.
Trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất, Ấn Độ có tới 9 thành phố, gồm: Ghaziabad, Bulandshahr, Bisrakh Jalalpur, Bhiwadi, Noida, Greater Noida, Kanpur, Locknow và Delhi - khu vực có thủ đô.
Thành phố ô nhiễm nhất thế giới là Hòa Điền ở Tân Cương, tây nam Trung Quốc. Trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, Hòa Điền là thành phố duy nhất ghi nhận các mức chất lượng không khí nguy hiểm, xảy ra vào tháng 3/2020.
Thành phố ô nhiễm nhất Indonesia là Nam Tangerang ở tỉnh Banten. Thành phố ô nhiễm nhất Thái Lan là Pai, nằm ở tỉnh Mae Hong Soon.
IQAir xác định chất lượng không khí trung bình của từng thành phố theo các nồng độ bụi mịn PM2.5, chất ô nhiễm có hại nhất với con người. Tháng 9/2021, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nồng độ PM2.5 toàn cầu cần được giảm một nửa từ 10 xuống 5 microgram/mét khối.
IQAir sử dụng Chỉ số Chất lượng Không khí Mỹ AQI) để hình dung nồng độ PM2.5 vượt quá con số 10 microgram/mét khối của WHO năm 2020. Theo chỉ số này, bị phơi nhiễm bụi mịn từ 35,5-55,4 microgram/mét khối là không tốt cho sức khỏe của nhóm người nhạy cảm, phơi nhiễm ít nhất 250,5 microgram/mét khối bị coi là nguy hiểm.
Theo đó, Hòa Điền có nồng độ PM2.5 trung bình là 110,2 microgram/mét khối, bị xếp vào nhóm có hại cho sức khỏe. Thành phố Đức Châu của Trung Quốc (đứng thứ 100 danh sách) có nồng độ bụi mịn trung bình là 50,1 microgram/mét khối.
Hàng triệu người chết hàng năm vì ô nhiễm không khí. Chỉ năm 2012, WHO cho biết có 7 triệu người tử vong vì ô nhiễm không khí.
Trước đó, ngày 17/11, IQAir đã xếp Lahore của Pakistan là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ tại Pakistan trong những năm gần đây, khi hỗn hợp khói dầu diesel chất lượng thấp, khói rơm rạ bị đốt và nhiệt độ mùa Đông lạnh giá kết hợp lại thành những đám khói mù tù đọng.
Lahore là thành phố lớn đông đúc với hơn 11 triệu dân tại tỉnh Punjab gần biên giới với Ấn Độ và luôn bị xếp vào nhóm những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, người dân đã lắp những thiết bị lọc không khí riêng và kiện chính quyền không có biện pháp hiệu quả làm sạch không khí.