Người di cư tới đảo Lesbos của Hy Lạp sau hành trình vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/12/2015. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong nỗ lực đầu tiên của các cơ quan thực thi pháp luật nhằm nhận diện một trong những khía cạnh tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng người di cư, Tổng Giám đốc Europol Brian Donald cho biết hàng chục nghìn trẻ em đã biến mất sau khi đăng ký với các nhà chức trách nhà nước châu Âu. Chỉ riêng tại Italy, số trẻ em tị nạn mất tích lên tới 5.000 em trong khi ở Thụy Điển con số này là 1.000 em.
Ông Donald cảnh báo rằng tội phạm xuyên châu Âu giờ đây đang nhằm mục tiêu vào người tị nạn. Dù không khẳng định tất cả trẻ em "mất tích" này đều trở thành nạn nhân của các vụ lạm dụng hay buôn người nhưng khó khăn của các cơ quan chức năng nhiều nước châu Âu là họ hiện không thể nắm được hơn 10.000 trẻ tị nạn giờ đang ở đâu, làm gì hay sống với ai. Ông Donald cũng xác nhận Europol đang có trong tay bằng chứng cho thấy một số trẻ tị nạn ở châu Âu đã bị bóc lột tình dục.
Bà Mariyana Berket thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), nhấn mạnh rằng "trẻ em không có người thân đi kèm từ các vùng xung đột cho đến nay vẫn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất". Tại Đức - một trong những quốc gia được nhiều người tị nạn và di cư tìm đến nhất, và Hungary - quốc gia trung chuyển quan trọng trong hành trình di cư, một số lượng lớn tội phạm đã bị bắt giữ với tội danh bóc lột người di cư.
Ông Donald cho biết Europol sẽ tìm thêm bằng chứng từ các tổ chức đang làm việc trên các tuyến đường di cư qua các quốc gia vùng Balkan, và sẽ triệu tập cuộc họp với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề trẻ em tị nạn mất tích nhằm có biện pháp ngăn chặn. Nhà lãnh đạo Europol cũng kêu gọi các cộng đồng dân cư đề cao cảnh giác và phát hiện giúp các cơ quan chức năng những trường hợp có thể là trẻ em tị nạn bị lạm dụng.
Theo thống kê của tổ chức nhân đạo "Cứu trẻ em" (Save the Children), có khoảng 26.000 trẻ em không có người thân đi kèm đã đến châu Âu năm ngoái. Europol, với lực lượng nhân sự hùng hậu gồm 900 chuyên gia phân tích tình báo và sỹ quan cảnh sát, cho rằng 27% trong số hàng triệu người đặt chân tới châu Âu năm ngoái là trẻ em.