Các quốc gia châu Âu trong đó có Thụy Điển và Đan Mạch đã áp đặt những biện pháp mới để hạn chế dòng người di cư đổ vào các nước này. Ảnh: EPA |
Truyền thông Thụy Điển ngày 28/1 đưa tin trên. Theo Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Anders Ygeman, do có khoảng 45% số đơn xin tị nạn đã bị từ chối nên nước này cần phải sẵn sàng cho việc hồi hương hàng chục nghìn trong số 163.000 người đã đến Thụy Điển trong năm ngoái.
Ông Ygeman thừa nhận đây là thách thức lớn, đòi hỏi nhiều nguồn lực, cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đồng thời cho biết chính phủ đã yêu cầu cảnh sát và các cơ quan nhập cư tiến hành các thủ tục để trục xuất những trường hợp này. Việc hồi hương một số lượng lớn người tị nạn như vậy bằng các chuyến bay thương mại có thể kéo dài vài năm.
Thụy Điển và Đức là hai điểm đến hàng đầu của người tìm kiếm tị nạn tại châu Âu trong năm 2015 vừa qua. Với dân số 9,8 triệu người, Thụy Điển là một trong những quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiếp nhận số người tị nạn nhiều nhất nếu tính theo tương quan dân số.
Quyết định của Thụy Điển trục xuất người tị nạn được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang chật vật đương đầu với cuộc khủng hoảng người nhập cư. Trong tuần này, nước láng giềng Thụy Điển là Đan Mạch cũng thông qua luật cho phép tịch thu tài sản có giá trị của người tị nạn với hy vọng có thể hạn chế lượng người di cư ồ ạt đổ đến nước này.
Trong một diễn biến liên quan vấn đề người tị nạn, theo phóng viên TTXVN tại London, Chính phủ Anh đang đứng trước sức ép phải giải trình chi tiết hơn về kế hoạch tiếp nhận thêm trẻ em tị nạn Syria không có bố mẹ đi cùng, cũng như con số cụ thể về trẻ em châu Âu mà nước này sẽ tiếp nhận.
Chính phủ Anh đã cam kết tiếp nhận 20.000 người tị nạn theo chương trình tái định cư cho những người dễ bị tổn thương và khoanh vùng đối tượng tiếp nhận là những người đang cư trú tại các trại tị nạn do Liên hợp quốc bảo trợ nằm gần biên giới Syria ở Liban, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay đã có khoảng 1.000 người từ các trại này được đưa đến Anh, trong đó có một nửa là trẻ em.
Tổ chức nhân đạo "Cứu trẻ em" (Save the Children) đã hoan nghênh cam kết nhân đạo của Anh. Tuy nhiên, bà Kirsty McNeill, Giám đốc tổ chức này, nói rằng bà mong muốn kế hoạch của Anh sẽ bao gồm cả việc tiếp nhận những trẻ em tị nạn không có bố mẹ đi kèm hiện đang trú tạm tại các nước châu Âu khác như Italy và Hy Lạp, bởi trên thực tế hiện có khoảng 26.000 trẻ em như vậy ở châu Âu và số trẻ em này dễ trở thành nạn nhân của các vụ lạm dụng hoặc buôn người.
Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Nội vụ Anh cho biết chính phủ sẽ làm việc với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) để xác định các đối tượng trẻ em dễ bị tổn thương đang sống tại các trại tị nạn nhằm đưa các em tới Anh, trong khi Bộ Phát triển Quốc tế của Anh sẽ cấp 10 triệu bảng cho các tổ chức nhân đạo và Liên hợp quốc để giúp những trẻ em không có bố mẹ sống kèm ở châu Âu.