Trong bức thư, các công ty cho rằng chính sách tăng thuế của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ là một “thảm họa đối với người tiêu dùng Mỹ, các công ty và nền kinh tế Mỹ nói chung”.
Bức thư này đã được 173 công ty ký chung và đăng lên trang web chính thức của hiệp hội thương mại công nghiệp giày của Mỹ. Ngoài ông chủ Nhà Trắng, bức thư còn được gửi tới Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow.
“Thay mặt hàng trăm triệu người tiêu dùng sản phẩm giày dép và hàng trăm nghìn nhân viên, chúng tôi yêu cầu Ngài hãy ngưng ngay hành động tăng thuế. Đề xuất tăng thuế lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đang làm cho người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt. Đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại này”.
Căng thẳng thương mại diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sau khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế cao tới 25% đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuần trước, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố một danh sách 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có thể bị áp thuế nhập khẩu cao hơn, trong đó có tất cả các loại giày dép. Dự kiến trong tháng tới, Tổng thống Trump sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về các chính sách thuế quan.
Trong khoảng thời gian đe dọa áp thuế, Tổng thống Trump liên tục khẳng định Trung Quốc sẽ là bên phải trả các khoản thuế. Tuy nhiên, đầu tháng 5 vừa qua, chính Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kudlow tiết lộ “cả hai bên” - Mỹ và Trung Quốc - đều phải trả.
“Là một ngành công nghiệp luôn nhận hóa đơn thuế lên tới 3 tỷ USD mỗi năm, chúng tôi có thể đảm bảo với Ngài rằng bất kỳ sự gia tăng nào trong chi phí nhập khẩu giày đều có tác động trực tiếp đến người tiêu dùng giày dép của Mỹ”, bức thư đề cập.
Michael Jeppesen, chủ tịch chiến dịch toàn cầu của thương hiệu Wolverine World Wide cho biết: “Chúng tôi không kiếm đủ để bù đắp chi phí đó. Cách duy nhất là chuyển phần chi phí lên người tiêu dùng”.
Hiệp hội thương mại ngành công nghiệp giày ước tính thuế quan sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả thêm 7 tỷ USD/năm. Các công ty nói những chi phí đó sẽ ảnh hưởng đến các khách hàng thuộc tầng lớp lao động. Thuế quan luôn là một chủ đề đặc biệt nhạy cảm trong thế giới giày dép vì ngành giày dép vốn đã đã phải trả một vài khoản thuế thuộc diện cao nhất ở Mỹ.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều công ty phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Cụ thể, Nike sản xuất 26% hàng may mặc và 26% giày dép tại Trung Quốc trong tài khóa 2018. Skechers U.S.A. Inc. sản xuất khoảng 65% hàng hóa tại Trung Quốc, nhưng không phải tất cả các sản phẩm đều được nhập khẩu vào Mỹ.
Thương hiệu thời trang Under Armour hiện nhận khoảng 18% sản phẩm từ Trung Quốc, giảm từ con số 46% năm 2013. Mục tiêu của công ty là giảm con số đó xuống chỉ còn 7% vào năm 2023.