Đây được xem là một trong những nguyên nhân mang đến chết chóc lớn nhất đối với loài người nhưng chưa được nhắc tới nhiều, cũng như chưa được đánh giá một cách đầy đủ.
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thống kê mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết những vết cắn từ rắn độc, mỗi năm còn để lại những thương tổn nặng nề cho khoảng 400.000 người từ bại liệt, cắt bỏ chi đến sang chấn tâm lý lâu dài.
Theo thống kê, châu Á và châu Phi là hai khu vực có số người tử vong vì bị rắn độc cắn nhiều nhất với con số lần lượt là 57.000 - 100.000 người và 20.000 - 32.000 người, tiếp theo là Mỹ Latinh - Caribe (3.400-5.000), châu Đại dương (200-500) và cuối cùng là châu Âu (30-130).
Lý giải cho số tử vong cao tại châu Á và châu Phi, WHO cho rằng ngoài khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi cho nhiều loài rắng độc sinh trưởng, hệ thống y tế tại hai châu lục này còn thưa thớt và chưa được đầu tư đầy đủ, đặc biệt liên quan đến công tác sơ cứu nạn nhân bị rắn độc cắn tại khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, theo WHO, kỹ thuật điều trị rắn cắn hiện nay vẫn dựa trên một quy trình cũ kỹ có từ thế kỷ 19 do thiếu kinh phí cho đầu tư nghiên cứu khoa học và đây được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra những cái chết không đáng có của những nạn nhân bị rắn cắn.
Mới đây, Hội từ thiện sức khỏe toàn cầu Wellcome Trust (Anh) đã công bố dự án trị giá 102 triệu USD nhằm tìm ra phương thức chữa trị rắn cắn hiện đại và hiệu quả hơn. Theo WHO, nếu thành công, dự án sẽ góp phần giảm một nửa số người tử vong và tàn phế do bị rắn độc cắn vào năm 2030.