Người phản đối hiến pháp mới bịt miệng tham gia một cuộc tuần hành ở Bangkok. Ảnh: Reuters |
Trước thềm diễn ra sự kiện trên, hàng chục nhà hoạt động và chính trị gia đã bị bắt giữ, trong đó một số người tìm cách phát truyền đơn kêu gọi người dân bỏ phiếu phản đối dự thảo hiến pháp mới.
Trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới, người dân Thái Lan sẽ đưa ra quyết định của mình về bản dự thảo hiến pháp do quân đội bảo trợ. Văn kiện dày 105 trang với 279 điều khoản này được kỳ vọng là giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài một thập kỷ qua. Nếu dự thảo hiến pháp được thông qua, tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/2017.
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mà Đại học Bangkok vừa công bố, gần 90% số người được hỏi nói rằng họ có ý định đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới của Thái Lan vào ngày 7/8 tới và gần một nửa số người nói rằng họ sẽ chấp nhận văn kiện này.
Bất chấp kết quả thăm dò trên, các chuyên gia phân tích nhận định khả năng dự thảo hiến pháp bị bác bỏ là khá cao do có đến gần 50% dân số Thái Lan (tức khoảng 30 triệu người) sống ở vùng Đông Bắc và phần lớn được cho là chịu ảnh hưởng của lực lượng Áo Đỏ, vốn đã tuyên bố phản đối dự thảo hiến pháp. Đặc biệt việc mới đây Chủ tịch đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Veijjajiva tuyên bố phản đối dự thảo hiến pháp cũng cho thấy đã có sự phân hóa trong lực lượng bảo hoàng và phe Áo Vàng.
Cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới của Thái Lan sẽ được tổ chức vào ngày Chủ nhật 7/8 tới. Các điểm bỏ phiếu sẽ được mở cửa vào lúc 8h sáng và đóng cửa vào lúc 4h chiều. Kết quả bỏ phiếu không chính thức tại Bangkok sẽ được thông báo vào lúc 8h cùng ngày trong khi kết quả không chính thức toàn quốc sẽ được công bố sau đó 1 giờ. Dự kiến kết quả chính thức sẽ được công bố sau đó 3 ngày.