Đài Sputnik (Nga) ngày 9/1 dẫn nguồn báo cáo từ Cơ quan Giám sát Biến đổi Khí hậu Copernius (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết nhiệt độ trung bình năm 2019 chỉ thấp hơn năm 2016, năm có nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử toàn cầu.
Theo số liệu của C3S, trong năm 2019, nhiệt độ trên toàn cầu tăng 0,6 độ C so với mức trung bình giai đoạn từ năm 1981 đến năm 2010. Trong đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 7/2019 được ghi nhận là nóng nhất, cao hơn mức nóng nhất hồi tháng 7/2016 là 0,05 độ C.
C3S cũng cho biết rằng 5 năm qua là giai đoạn nóng bất thường kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thống kê rằng nhiệt độ trung bình trên Trái Đất trong 5 năm qua tăng từ 1,1 đến 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong đó, 2019 được ghi nhận là năm nóng chưa từng thấy tại châu Âu.
“Thập kỷ qua cũng được coi là thập kỷ có nhiệt độ cao nhất. Đây đều là những dấu hiệu đáng báo động”, ông Jean-Noel Thepaut, Giám đốc Trung tâm Dự báo thời tiết châu Âu (ECMWF) cho biết trong một tuyên bố.
Ông Carlo Buontempo - Chủ tịch Cơ quan C3S - xác nhận 2019 là một năm ấm áp bất thường. Theo cơ sở dữ liệu được báo cáo, thực tế đây là năm nóng kỷ lục thứ 2 trên toàn cầu với nhiều tháng ghi nhận mức nhiệt tăng phá vỡ kỷ lục.
Cơ quan C3S cũng tiết lộ nồng độ CO2 trong khí quyển toàn cầu tiếp tục tăng trong năm 2019 và nhiệt độ đã tăng lên rõ rệt nhất, đặc biệt là tại Alaska và các khu vực khác ở Bắc Cực.
Nhiệt độ nắng nóng bất thường đã trở thành vấn đề cấp bách trên toàn cầu, lan rộng khắp châu Âu hồi tháng 6 và tháng 7/2019. Theo dữ liệu vệ tinh từ Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS), toàn bộ băng ở vùng biển Alaska đã tan chảy và thảm họa cháy rừng khủng khiếp chưa từng thấy trên một số khu vực của Australia đã xảy ra từ tháng 9/2019 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.