Tờ Guardian (Anh) ngày 13/1 cho biết Phòng Kỹ sư hóa học Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra cảnh báo đáng lo ngại trên về thành phố 17 triệu dân. Trước đó, vào đầu tháng 1, Thị trưởng Ankara Mansur Yavaş cũng lo ngại rằng thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn lượng nước trong đập và hồ chứa đủ cho 110 ngày.
Hai thành phố lớn khác của Thổ Nhĩ Kỳ là İzmir và Bursa cũng chật vật khi các đập nước chỉ còn 36% đến 24% dung tích.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán là do lượng mưa thấp nghiêm trọng trong nửa cuối năm 2020. Thổ Nhĩ Kỳ vốn là quốc gia thường “đau đầu vì nước” khi lượng nước bình quân đầu người chỉ là 1.346 mét khối/năm. Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua nhiều lần hạn hán từ thập niên 80 của thế kỷ trước do nhiều yếu tố như tăng dân số, công nghiệp hóa, biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Akgün İlhan tại Viện Chính sách Istanbul phân tích: “Thay vì tập trung vào các biện pháp kiểm soát nhu cầu nước thì Thổ Nhĩ Kỳ lại chủ trương mở rộng nguồn cung nước bằng việc xây dựng thêm nhiều đập. Trong hai thập niên qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã xây tới hàng trăm đập”.
Tiến sĩ Ümit Şahin ở Đại học Sabancı nhận định: “Chúng ta biết rằng cần phải bảo vệ nơi chứa nước, đặc biệt đề phòng hạn hán vốn ngày càng nghiêm trọng và diễn ra lâu dài. Nhưng một ví dụ là Istanbul, nơi chứa nước quan trọng, đã mất nhiều diện tích rừng và nông nghiệp cho các dự án phát triển đô thị như sân bay, cầu, đường cao tốc mới. Những chính sách này không thể giải quyết tình trạng hạn hán của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Tiến sĩ Akgün İlhan đánh giá hạn hán đã tạo ra một vòng luẩn quẩn là giảm sản lượng nông nghiệp, tăng giá thực phẩm dẫn tới đói nghèo và người dân vùng nông thôn di cư đến các đô thị, tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng về nước.