6.000 trẻ sơ sinh chào đời trong ngày đầu tiên của năm 2018

Có 6.000 trẻ sơ sinh chào đời trong ngày đầu tiên của năm 2018, với hơn 90% trẻ trong số này ở các khu vực kém phát triển. Đó là con số được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 1/1.

Kiểm tra sức khỏe cho em bé sơ sinh tại Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo UNICEF, hơn một nửa số trẻ sơ sinh chào đời vào ngày 1/1/2018 trên toàn thế giới là ở 9 nước gồm Ấn Độ (69.070 trẻ), Trung Quốc (44.760 trẻ), Nigeria (20.210 trẻ), Pakistan (14.910 trẻ), Indonesia (13.370 trẻ), Mỹ (11.280 trẻ), Cộng hòa Dân chủ Congo (9.400 trẻ), Ethiopia (9.020 trẻ) và Bangladesh (8.370 trẻ). Nhiều trẻ trong số này sẽ không sống được ngay trong ngày chào đời.

Ước tính trong năm 2016, mỗi ngày có 2.600 trẻ sơ sinh tử vong trong 24 giờ sau sinh. Theo UNICEF, gần 2 triệu trẻ sơ sinh không sống qua được 1 tuần tuổi; 2,6 triệu trẻ "đoản mệnh" trước khi được tròn 1 tháng tuổi. Hơn 80% trong số này tử vong bởi các bệnh có thể điều trị và phòng ngừa được như sinh non, biến chứng khi sinh và các bệnh lây nhiễm như nhiễm trùng máu và viêm phổi.

Các em bé sơ sinh chào đời tại Bệnh viện Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 2 thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc khi giảm một nửa số trẻ trên thế giới tử vong trước khi được 5 tuổi xuống 5,6 triệu em vào năm 2016. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh, tiến bộ này lại rất chậm, với số trẻ sơ sinh tử vong ngay trong tháng chào đời đầu tiên chiếm 46% trong số tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.


UNICEF sẽ phát động chiến dịch toàn cầu mang tên "Mỗi trẻ được quyền sống" vào tháng 2 tới nhằm đề nghị và cung cấp những giải pháp chăm sóc sức khỏe chất lượng và giá cả phải chăng cho từng bà mẹ và trẻ sơ sinh, như cung cấp ổn định nước sạch và điện tại các cơ sở y tế, sự có mặt của một y tá lành nghề trong mỗi ca sinh nở, vệ sinh dây rốn cho trẻ, cho trẻ bú sữa mẹ ngay trong giờ đầu tiên sau sinh và sự tiếp xúc giữa mẹ và con.

TTXVN/Báo Tin tức
Liên cầu khuẩn nhóm B gây ra 20% số ca thai lưu và tử vong ở trẻ sơ sinh
Liên cầu khuẩn nhóm B gây ra 20% số ca thai lưu và tử vong ở trẻ sơ sinh

Có tới 20% số trường hợp sinh non và tử vong ở trẻ sau sinh trên thế giới mỗi năm là do người mẹ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B, còn gọi là GBS.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN