Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam châu Phi, số ca tử vong trên dựa theo số liệu chính thức của Chính phủ Madagascar, nhưng có thể chưa đầy đủ bởi tổng số ca nhiễm hiện tại ở quốc đảo Ấn Độ Dương này là 66.000 người. Tiến sĩ Katrina Kretsinger thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng của WHO cho biết đến nay, chiến dịch khẩn cấp đã tiêm phòng cho 22 triệu trong số 26 triệu người dân Madagascar. Những người trước đây đã được tiêm phòng một mũi cũng được tiêm bổ sung. Nước này cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn dịch sởi tái bùng phát.
Theo WHO, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở Madagascar là 47% - cao nhất châu Phi, làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tử vong do nhiễm sởi. Bà Katherine O’Brien, Giám đốc phụ trách tiêm chủng, vắc-xin và chế phẩm sinh học của WHO, cho biết sởi là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan, có thể gây ra các biến chứng như mù, phù não và làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể với một số bệnh khác. Nhiều tháng sau khỏi bệnh sởi, trẻ em vẫn dễ bị viêm phổi hoặc tiêu chảy dẫn đến tử vong.
Madagascar là một trong những nước nghèo nhất châu Phi. Năm 2017, chỉ có 58% dân số nước này được tiêm phòng sởi. Từ năm 2003 đến nay, tại nước này, chưa xảy ra đợt bùng phát dịch sởi lớn nào, do đó khả năng miễn dịch trong cộng đồng dân cư ở mức thấp. Theo kế hoạch, Madagascar sẽ chuẩn hóa chương trình tiêm chủng hai liều thông thường vào cuối năm nay.