Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 256.873.793 ca, trong đó có 5.154.004 người tử vong.
Cuộc sống bình thường mới đang từng bước đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng hạ nhiệt. Thêm nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế đi ngang trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Châu Âu hiện chính là tâm dịch mới của thế giới.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 83.000 ca), trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 231 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 79.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 19/11, thế giới có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 609 người tử vong. Tiếp đến là Bulgaria với 6 người và Bosnia-Herzegovina với 371 người/100.000 dân. Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,5 triệu ca tử vong trong trên 46,3 triệu ca mắc COVID-19.
Châu Âu có trên 80 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,4 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận trên 1,1 triệu ca tử vong trong trên 80,4 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có trên 790.500 triệu ca tử vong trong trên 48,4 triệu ca bệnh. Châu Phi ghi nhận trên 221.200 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là trên 3.900 người.
Lần đầu tiên trong gần hai năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Hàn Quốc sẽ nối lại việc giảng dạy và học tập trực tiếp tại trường học vào tuần tới sau khi kỳ thi đầu vào đại học kết thúc. Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, toàn bộ trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học sẽ quay trở lại trưởng học từ ngày 22/11. Bộ trên cho biết sẽ hỗ trợ tài chính và nhân lực cho các trường tại vùng đô thị Seoul - khu vực vốn chứng kiến diễn biến dịch nghiêm trọng hơn, nhằm đảm bảo phòng chống dịch. Ngoài ra, chính quyền các địa phương được phép điều chỉnh kế hoạch học trực tiếp tùy theo diễn biến dịch tại địa phương.
Ngày 19/11, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức trên 3.000 ca ngày thứ ba liên tiếp, trong khi các ca bệnh nặng tăng liên tục và nguồn lực y tế bị quá tải. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố có thêm 3.034 ca mắc mới COVID-19 ở nước này, trong đó có 3.011 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh lên 409.099 ca.
Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 28 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 3.215 người. Tỷ lệ tử vong là 0,79%. Số bệnh nhân COVID-19 nặng đã tăng lên hơn 400 ca vào đầu tháng này (lần đầu tiên kể từ cuối tháng 8). Khu vực Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon) vẫn chiếm đa số với 80,3% ca nhiễm mới hàng ngày.
Chính phủ Hàn Quốc hiện phải ứng phó với tình trạng ngày càng thiếu giường bệnh dành cho bệnh nhân nặng cũng như thiếu nhân viên y tế. Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ sử dụng giường bệnh trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Seoul là 80,9% và vùng phụ cận là 78,2%. Tỷ lệ này trên cả nước là 63,8%. Trước đó, KDCA cho biết sẽ tạm dừng kế hoạch "Sống chung với COVID-19" nếu tỷ lệ này vượt ngưỡng 75%.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ giới hạn về số lượng người tối đa được phép tham gia các sự kiện thể thao, giải trí quy mô lớn và nới lỏng một số biện pháp hạn chế đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở nước này liên tục giảm từ mức đỉnh 25.992 ca vào ngày 20/8 xuống còn 199 ca vào ngày 17/11, trong khi hơn 75% dân số Nhật Bản đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19.
Dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp tại Đức, với số ca mắc mới liên tục gia tăng, số bệnh nhân nặng nhập viện tại một số bang đã lên tới mức báo động. Số liệu thống kê mới nhất của Viện Robert Koch (RKI) cho thấy trong vòng 24 giờ tính đến hết ngày 18/11, Đức ghi nhận trên 65.000 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ đầu dịch và là ngày thứ 9 liên tiếp nước này lập “kỷ lục buồn” về số ca mắc theo ngày.
Giám đốc RKI Lothar Wieler cho biết con số thực tế có thể cao hơn gấp hai hoặc ba lần do nhiều người nhiễm virus không triệu chứng hoặc không đi xét nghiệm. Hiện Chính phủ Đức và các bang đã đồng ý yêu cầu các nhân viên y tế và nhân viên tại các cơ sở dưỡng lão phải tiêm vaccine phòng COVID-19. Sau một thời gian thúc đẩy mạnh mẽ, tỷ lệ tiêm chủng của Đức rơi vào tình trạng trì trệ trong suốt những tháng Hè và Thu vừa qua, chỉ dao động ở mức dưới 70%.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 19/11 cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 đang trở nên tồi tệ khi số ca nhiễm virus trong tuần này nghiêm trọng hơn tuần trước và không thể loại trừ khả năng áp đặt “tình trạng khẩn cấp quốc gia”.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo về khả năng áp đặt lệnh “phong tỏa” mới cho tất cả mọi người, ông Spahn nói: “Chúng tôi đang ở trong tình huống không thể loại trừ bất cứ điều gì”. Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Đức sáng 19/11 thông qua Luật phòng chống lây nhiễm sửa đổi, theo đó bổ sung một số hạn chế mới để hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh.
Áo cũng sẽ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vào tuần tới trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại đây tăng vọt. Hiện mới chỉ có khoảng 66% dân số Áo đã tiêm phòng đầy đủ - một trong những tỷ lệ thấp nhất tại Tây Âu. Tỷ lệ mắc COVID-19 tại Áo vào hàng cao nhất châu lục, ở mức 971 ca/100.000 người trong 7 ngày. Hai tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 là Salzburg và Upper Austria.
Chính quyền hai tỉnh tuyên bố sẽ áp lệnh phong tỏa vào ngày 22/11 tới, đồng thời hối thúc chính phủ trung ương có động thái tương tự. Đầu tuần này, Áo đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm phòng COVID-19, song số ca nhiễm mới vẫn liên tục tăng thậm chí vượt mức đỉnh cách đây một năm, khi nước này thực thi biện pháp phong tỏa.
Trong ngày 18/11, số ca mắc mới hằng ngày Áo đã lần đầu tiên vượt 15.000 ca. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 19/11, Áo ghi nhận tổng cộng 11 triệu ca nhiễm và hơn 11.000 ca tử vong do COVID-19.
Ngày 19/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Italy Roberto Speranza tuyên bố việc tiêm liều vaccine tăng cường cho những người trong độ tuổi từ 40-59 sẽ được bắt đầu từ ngày 22/11, thay vì 1/12 như kế hoạch, do số ca mắc COVID-19 ở nước này đang gia tăng.
Phát biểu tại một sự kiện do Hiệp hội Nông nghiệp Italty (Coldiretti) tổ chức, ông Speranza nhấn mạnh rằng số ca mắc COVID-19 đang tăng lên tại Italy và các nước châu Âu láng giềng. Vaccine là công cụ chính để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và giảm số ca bệnh nặng. Do đó, việc đẩy sớm chiến dịch tiêm chủng tăng cường cho nhóm tuổi 40-59 là đúng đắn.
Italy đang trong làn sóng lây nhiễm thứ tư và cần đặc biệt theo dõi sát tình hình. Bộ trưởng Speranza lưu ý rằng 86,86% dân số đủ điều kiện (trên 12 tuổi) tại Italy hiện đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, “nhưng chúng tôi phải tăng số người được tiêm chủng, cả những người tiêm mũi thứ nhất và mũi tăng cường, thông qua việc thuyết phục những người còn nghi ngờ vaccine, kể cả về mũi tăng cường”.
Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đã thông qua việc sử dụng các vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer và Moderna sản xuất làm liều tiêm tăng cường cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên, sau khi những người này đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2 tối thiểu 6 tháng.
Quyết định này nhằm mục đích củng cố "tấm khiên" phòng bệnh COVID-19 cho người dân trong bối cảnh biến thể Delta siêu lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục hoành hành, trong khi lượng kháng thể sinh ra sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 giảm dần theo thời gian.
Trước đó, FDA cũng đã phê duyệt tiêm tăng cường vaccine của hai hãng trên cho những người trên 65 tuổi, hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc những trường hợp có nguy cơ cao mắc COVID-19 và có nguy cơ trở nặng nếu mắc bệnh. Vaccine liều tăng cường của Pfizer được định lượng ở mức 30 microgam như liều chuẩn, trong khi vaccine liều tăng cường của Moderna là 50 microgam, chỉ ở mức 50% so với liều chuẩn.
Nhà chức trách Canada ngày 19/11 đã thông qua việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer của Mỹ phối hợp bào chế cùng BioNTech (Đức) cho trẻ em 5-11 tuổi. Động thái này được xem là một bước tiến nhằm mở đường cho việc tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi tiểu học trên toàn quốc.
Vaccine của Pfizer/BioNTech là loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng cho trẻ nhỏ ở Canada. Tuyên bố của Bộ Y tế Canada nêu rõ: "Sau khi xem xét kỹ lưỡng và độc lập về các bằng chứng khoa học, bộ đã xác định rằng lợi ích của vaccine này đối với trẻ em từ 5-11 tuổi lớn hơn nhiều so với những rủi ro có thể xảy ra".
Quyết định trên được thông qua sau khi hai hãng Pfizer và BioNTech ngày 18/10 đã đệ đơn xin xét duyệt sử dụng vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, sau khi hoàn tất thực hiện thử nghiệm lâm sàng đối với hàng nghìn trẻ em ở độ tuổi này. Tháng trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết Ottawa đã ký hợp đồng với hãng Pfizer có thể nhanh chóng nhận được 2,9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng này sau khi việc sử dụng cho trẻ nhỏ được phê duyệt.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech được chứng minh có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa COVID-19 và không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nào cho người được tiêm. Vaccine của Pfizer/BioNTech liều dùng cho trẻ em từ 5-11 tuổi được định lượng ở mức 10 microgam thay vì 30 microgam trong các liều tiêu chuẩn - dành cho các lứa tuổi cao hơn. Khi tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi, loại vaccine này sẽ được tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 3 tuần.
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 17/11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 27.458 ca mắc COVID-19 và 498 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch hiện là trên 13.700.000 ca, trong đó trên 286.000 người tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines vẫn khá căng thẳng so với các nước khác. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Myanmar và Việt Nam.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt.
Diễn biến dịch khá nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, khi số ca tử vong vẫn cao. Ngày 19/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 277 trường hợp, cao nhất khu vực.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 624 ca bệnh và 11 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế hạ nhiệt. Về số ca mắc mới, Việt Nam ngày 19/11 dẫn đầu Đông Nam Á với trên 9.000 ca.
Trong khi đó, Thái Lan vẫn là điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 19/11 ghi nhận thêm trên 6.000 ca bệnh mới và 51 người tử vong.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 45 bệnh nhân mới và 4 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.