Phát biểu tại cuộc họp báo ở Suez để cập nhật về diễn biến vụ giải cứu “siêu tàu” khổng lồ nói trên, ông Rabie khẳng định gió mạnh và các yếu tố thời tiết không phải là nguyên nhân chính khiến con tàu mắc cạn, mà có thể do lỗi kỹ thuật hoặc con người. Tất cả những yếu tố này sẽ được làm rõ trong quá trình điều tra.
Dự báo về thời điểm con tàu có thể nổi trở lại, ông Rabie cho rằng điều đó tùy thuộc vào khả năng thích ứng của con tàu đối với thủy triều. Người đứng đầu SCA khẳng định Ai Cập đã nỗ lực sử dụng tàu kéo và máy xúc để giải phóng mũi tàu và chân vịt.
Cho đến 22 giờ 30 ngày 26/3 (giờ địa phương), chân vịt đã có thể quay mặc dù chưa đạt vận tốc tối đa. Tuy nhiên, thủy triều thay đổi khiến nó lại mắc kẹt và các đội cứu hộ phải sử dụng máy đào để tiếp tục quá trình nạo vét. Hiện 14 tàu kéo đã được huy động cho quá trình giải cứu tàu mắc cạn.
Theo SCA, vụ tàu Ever Given mắc cạn không gây thương vong hay ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, ông Rabie ước tính Ai Cập đang thiệt hại khoảng 12-14 triệu USD doanh thu/ngày do Kênh đào Suez phải tạm thời đóng cửa. Hiện có trên 300 tàu đang tắc nghẽn ở hai đầu kênh đào Suez.
Cùng ngày, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly đã bày tỏ cảm ơn các quốc gia đã đề nghị hỗ trợ Ai Cập giải quyết sự cố tàu chở hàng Ever Given mắc cạn trong Kênh đào Suez suốt 5 ngày qua. Theo ông Madbouly, Ai Cập đang phải chạy đua với thời gian để khôi phục giao thông ở tuyến huyết mạch hàng hải của thế giới này. Thủ tướng Madbouly cho rằng đây là sự cố “rất đặc biệt” và SCA đã sử dụng tất cả các thiết bị, nguồn lực trong nước và quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng tàu mắc cạn này.
Trong khi đó, công ty Hà Lan Boskalis, chủ sở hữu đơn vị phản ứng nhanh Smit Salvage đang hỗ trợ công tác cứu hộ, cho biết tàu Ever Given có thể được giải cứu vào đầu tuần tới nếu các tàu cứu hộ có sức kéo mạnh hơn, công tác nạo vét và thủy triều dâng giúp dịch chuyển thành công con tàu này. Theo hãng Boskalis, tàu kéo hạng nặng, tổng công suất 400 tấn, sẽ tới Ai Cập vào cuối tuần này. Bên cạnh đó, một cần cẩu cũng sẽ được huy động nhằm sẵn sàng bốc dỡ khoảng 600 container ở phía mũi tàu để giảm tải trọng của Ever Given.
Tàu Ever Given có chiều dài hơn tổng chiều dài của 4 sân bóng đá và tải trọng lên tới hơn 200.000 tấn. Vì vậy, vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua Kênh đào Suez tê liệt. Kênh đào Suez, nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải, là nguồn thu ngoại tệ rất quan trọng của Ai Cập, với doanh thu đạt 5,6 tỷ USD trong năm 2020. Khoảng 12% giao thương thế giới đi qua Kênh đào Suez và là tuyến huyết mạch đường thủy nhanh nhất kết nối giữa châu Âu và châu Á.