Ai Cập: Cựu sĩ quan quân đội đứng sau vụ ám sát Bộ trưởng Nội vụ

Tờ "Almasry Alyoum" ngày 26/10 dẫn một nguồn tin tư pháp cho biết một cựu sĩ quan quân đội Ai Cập đã đứng sau âm mưu ám sát bất thành hôm 5/9 ngay giữa thủ đô Cairo nhằm vào Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim.    

Xung đột bên ngoài đại học al-Azhar của sinh viên biểu tình bạo động phản đối quân đội ở Cairo ngày 20/10. Ảnh: AFP/TTXVN.


Nguồn tin giấu tên trên cũng cho biết cựu Thiếu tá quân đội Waleed Badr đã nhận được sự hỗ trợ của 3 người Ai Cập, 2 người Palestine và một người khác nhiều khả năng đến từ Afghanistan. Nghi phạm Badr được cho là đã trực tiếp thực hiện vụ đánh bom xe trong khi 6 người còn lại chờ đợi tại một căn hộ ở quận Nasr City và đã chạy trốn đến Bán đảo Sinai sau vụ tấn công.   

Cũng theo nguồn tin này, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã ra lệnh bắt giữ 6 nghi phạm khác và đã khẳng định sự tham gia của Badr sau khi thẩm vấn Gama Abdu, một nghi can trong đường dây khủng bố bị bắt giữ tại Nasr City trong tháng này. Abdu khai đã tham gia khóa đào tạo đánh bom liều chết tại Sinai cách đây hơn 1 năm, đồng thời cho biết nhóm chiến binh đứng sau vụ mưu sát Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.         

Kết quả điều tra cho thấy có 3 sĩ quan quân đội Ai Cập khác đã gia nhập Al-Qaeda song không tham gia vào vụ ám sát ông Ibrahim.     Cùng ngày, nhóm chiến binh Ansar Bayt al-Maqdis có liên hệ với Al-Qaeda cũng khẳng định rằng vụ ám sát bất thành nhằm vào Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập vào tháng trước do một cựu sĩ quan quân đội bị sa thải có tên Waleed Badr tiến hành.

Trong một đoạn video được nhóm này đăng tải trên các trang web thánh chiến, một người tự xưng là Waleed Badr trong bộ trang phục thiếu tá cáo buộc quân đội Ai Cập đang có "khuynh hướng chống tôn giáo" và "yêu người Mỹ hơn người Ai Cập".

Tòa án Ai Cập bác vụ kiện cựu Phó tổng thống ElBaradei    
 

Cùng ngày, báo mạng "Al Ahram" đưa tin một tòa án Cairo đã ra quyết định hủy bỏ vụ kiện cựu Phó Tổng thống Mohamed ElBaradei bị cáo buộc "vi phạm lòng tin của quốc gia".    

Vụ kiện do một số luật sư Ai Cập khởi xướng chống ông ElBaradei sau khi vị cựu Phó Tổng thống này từ chức để phản đối Chính phủ lâm thời cho phép lực lượng an ninh giải tán ngày 14/8 hai địa điểm biểu tình ngồi tại thủ đô Cairo của những người Hồi giáo đòi phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi.

Sau quyết định này, ông ElBaradei đã chỉ trích "vụ kiện có dụng ý xấu và vô lý " chống lại ông. Thông qua mạng xã hội Twitter, ông ElBaradei phản bác: "Phải chăng sự dối trá và đạo đức giả trở thành một trò tiêu khiển của một số người?". Người đoạt Giải Nobel Hòa bình đã trở thành đối tượng của một chiến dịch bôi nhọ do một số nhà báo và chính trị gia tiến hành.

Những người này cho rằng việc ông ElBaradei từ chức là "không yêu nước" và cáo buộc ông từ bỏ chính phủ vào một thời điểm quan trọng. Gần đây, ông ElBaradei còn bị các đối thủ của ông buộc tội hợp tác với tổ chức Anh em Hồi giáo quốc tế để phá hoại chính phủ hậu Morsi . Tuy nhiên, không có cuộc gặp nào giữa ông ElBaradei và các thành viên của Anh em Hồi giáo được xác nhận.

Phe Hồi giáo Ai Cập đề xuất sáng kiến giải quyết bế tắc chính trị     


Trong khi đó, Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) dẫn đầu và quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi - đã đề xuất một sáng kiến mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Hồi giáo này.    

Tờ "Almasry Alyoum" dẫn một nguồn tin cho biết sáng kiến trên bao gồm tổ chức trưng cầu dân ý về lộ trình chuyển tiếp được quân đội vạch ra sau cuộc đảo chính hôm 3/7, khôi phục lại Hiến pháp và Hội đồng Shura (Thượng viện Ai Cập). Đổi lại, phe Hồi giáo sẽ chấp nhận hủy bỏ yêu cầu phục chức cho ông Morsi. Ngoài ra, các tướng lĩnh quân đội tham gia đảo chính sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hoặc khởi tố dựa vào một tuyên bố hiến pháp mới.    

NASL đề xuất cử một số nhân vật - trong đó có cựu Phó Tổng thống dưới thời Morsi, ông Mahmoud Mekky, chính khách tự do Amr Hamzawy, nhà tư tưởng Hồi giáo Mohamed Selim al-Awa và cựu cố vấn tổng thống Seif Abdel Fattah - đứng ra tham gia các cuộc đàm phán với chính quyền lâm thời. Ngoài ra, phe Hồi giáo cũng có kế hoạch yêu cầu chính quyền phóng thích các "tù nhân chính trị" bị bắt giữ kể từ ngày 30/6.    

Nguồn tin nói trên tiết lộ rằng bất đồng đã nổ ra trong nội bộ của NASL liên quan đến việc từ bỏ yêu cầu phục chức cho ông Morsi và thay vào đó là kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn. Các tổ chức Al-Gamaa Al-Islamiya, Thánh chiến Hồi giáo và Đảng Salafi Watan có lập trường mềm dẻo đối với kế hoạch hòa giải với chính quyền trong khi MB và hai đảng Asala và Fadila lại khăng khăng đòi phục chức cho ông Morsi.


TN



Phe Hồi giáo Ai Cập phát động biểu tình lớn ngày 4/11
Phe Hồi giáo Ai Cập phát động biểu tình lớn ngày 4/11

Phe Hồi giáo Ai Cập đã phát động một chiến dịch biểu tình mới kéo dài đến ngày 4/11 tới, trong bối cảnh sinh viên nhiều trường đại học đang gia tăng các hoạt động đấu tranh đòi phục chức cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN