Ai Cập đề nghị điều tra vụ Qatar trả khủng bố 1 tỷ USD tiền chuộc

Ngày 8/6, Ai Cập kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) điều tra cáo buộc cho rằng Qatar đã trả khoản tiền chuộc lên tới 1 tỷ USD cho một nhóm khủng bố hoạt động ở tại Iraq để nhóm này phóng thích các thành viên trong gia đình hoàng tộc bị bắt làm con tin.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, quan chức ngoại giao cấp cao của Ai Cập, ông Ihab Moustafa Awad Moustafa đã đưa ra tuyên bố trên khi phát biểu tại HĐBA LHQ, đồng thời cho rằng hành động của Cairo vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ.

Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani. Ảnh: Reuters

Nếu được chứng minh là đúng, việc làm này của Qatar sẽ tác động tiêu cực đến các nỗ lực chống khủng bố trên thực địa. Do đó, Ai Cập đề nghị HĐBA LHQ tiến hành một cuộc điều tra về vấn đề này, cũng như các hành vi tương tự của Qatar. Các nghị quyết của HĐBA LHQ kêu gọi tất cả các nước ngăn chặn các tổ chức khủng bố được thụ hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ những khoản tiền chuộc hoặc sự nhượng bộ chính trị để đảm bảo việc phóng thích an toàn cho các con tin.

Phái đoàn Qatar tại LHQ hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào trước yêu cầu trên của Ai Cập. Tuy nhiên, Qatar trước đây từng phủ nhận trả khoản tiền chuộc nói trên để đổi lấy việc phóng thích 26 công dân Qatar, trong đó có các thành viên của gia đình hoàng tộc, bị các tay súng không rõ danh tính bắt cóc ở Iraq. Số công dân này đã được thả hồi tháng 4/2017, sau gần 18 tháng bị bắt cóc trong một chuyến đi săn ở miền Nam Iraq.

Trong khi đó, thông báo của Phủ Tổng thống Ai Cập cho biết sau cuộc hội đàm tại Cairo hôm 8/6 giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Quốc vương Bahrain Hamad Isa Al-Khalifa, Cairo và Manama đã không đưa ra tín hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng thỏa hiệp và vẫn tiếp tục gây áp lực lên Qatar.

Quốc vương Bahrain Hamad đến Cairo sau khi có cuộc gặp với người đồng cấp Saudi Arabia Salman Bin Abdulaziz để bàn về tình hình mới nhất của cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Quốc vương Saudi Arabia Salman, Quốc vương Bahrain vẫn cho rằng có "sự can thiệp của Qatar", và Bahrain không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh và ổn định của đất nước.

Trước đó, hôm 5/6 vừa qua, Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và can thiệp nội bộ các nước trong khu vực. Một số nước khác như Yemen, chính phủ miền Đông Libya, Maldives... cũng có động thái tương tự, trong khi Jordan quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Qatar. Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa kinh tế đối với Qatar, trong đó có việc đóng cửa đường biên giới trên bộ duy nhất nối Saudi Arabia với quốc gia giàu tài nguyên khí đốt này.

Qatar đã bác bỏ cáo buộc của các nước trên. Ngoại trưởng Qatar Abdulrahman al-Thani cảnh báo cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay đang đe dọa sự ổn định của toàn khu vực, đồng thời cho biết Doha ưu tiên giải pháp ngoại giao và nhấn mạnh rằng giải pháp quân sự sẽ không bao giờ giúp giải quyết vấn đề.

TTXVN/Tin Tức
Cảm thông với Qatar trên mạng xã hội, công dân UAE có thể bị phạt 136.000 USD
Cảm thông với Qatar trên mạng xã hội, công dân UAE có thể bị phạt 136.000 USD

Sau quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Hamad Saif Al-Shamsi cảnh cáo bất kỳ ai bày tỏ niềm cảm thông với quốc gia vùng Vịnh này trên mạng xã hội sẽ bị liệt thành tội phạm máy tính và phải đối mặt với mức án từ 3 đến 15 năm tù giam hoặc nộp phạt 500.000 dirhams (136.000 USD).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN