Theo kênh CNN của Mỹ ngày 16/10, Ai Cập đang đối mặt với áp lực phải hành động khi Dải Gaza hứng chịu các cuộc oanh tạc của Israel sau cuộc tấn công của Hamas vào cuối tuần trước.
Sau các cuộc đột kích của Hamas, Israel đã đóng cửa hai cửa khẩu biên giới với Gaza và áp đặt một “cuộc bao vây toàn diện” đối với lãnh thổ này, ngăn chặn nguồn cung cấp nhiên liệu, điện và nước.
Điều đó khiến cửa khẩu Rafah giữa Gaza và Ai Cập trở thành lối thoát khả thi duy nhất để đưa người dân ra khỏi khu vực và chuyển đồ tiếp tế vào đó.
Nhưng cửa khẩu này đã bị đóng cửa trong suốt tuần qua, cả người dân Gaza và người nước ngoài đều không thể đi qua, và hàng tấn hàng viện trợ nhân đạo quan trọng cho người dân ở Gaza đang chất đống ở phía biên giới Ai Cập.
Một quan chức biên giới Palestine nói với CNN rằng Ai Cập đã chặn các cổng vượt biên bằng các tấm bê tông. Ai Cập phủ nhận thông tin cho rằng họ đã đóng cửa cửa khẩu và cho biết phía Palestine đã bị thiệt hại nặng nề do các cuộc không kích liên tục của Israel.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói với CNN rằng lối đi này đã được mở nhưng các cuộc oanh tạc từ trên không đã khiến các con đường ở phía Gaza “không thể hoạt động được”. Phía Ai Cập cũng đổ lỗi cho Israel đã không hợp tác trong việc chuyển viện trợ vào Gaza và sơ tán những người mang hộ chiếu nước ngoài thông qua lối vào duy nhất mà họ không hoàn toàn kiểm soát, khiến hàng trăm tấn vật tư bị mắc kẹt.
Trong khi đó, quan chức Palestine trên cũng thừa nhận ngày 16/10 với CNN rằng thiệt hại do cuộc không kích của Israel đối với phía Gaza tại cửa khẩu Rafah vẫn chưa được khắc phục.
Chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đã tổ chức các cuộc đàm phán với Israel và Ai Cập về việc đảm bảo lối đi an toàn cho người Mỹ và những thường dân khác ra khỏi Gaza. Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết các quan chức Mỹ hy vọng Rafah sẽ hoạt động muộn vài giờ vào 16/10, nhưng thông báo thêm rằng những hy vọng trước đó về việc mở cửa khẩu này đã tan thành mây khói.
Nhưng Ai Cập, nơi đã tiếp đón hàng triệu người di cư, cũng không yên tâm về viễn cảnh hàng trăm nghìn người tị nạn Palestine tràn vào lãnh thổ của mình. Hiện có hơn hai triệu người Palestine sống ở Gaza, một vùng đất ven biển đông đúc đang bị Israel bắn phá dữ dội.
Theo Liên hợp quốc, quân đội Israel đã kêu gọi 1,1 triệu cư dân ở phía Bắc Gaza sơ tán về phía Nam, khi Israel tập trung 300.000 quân ở biên giới để chuẩn bị rõ ràng cho một cuộc tấn công trên bộ.
Cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 nhằm vào Israel đã giết chết 1.300 người, khiến Israel trả đũa dẫn đến hơn 2.600 người ở Gaza thiệt mạng (tính đến ngày 16/10). Khi các cuộc tấn công gia tăng và Israel tiếp tục cắt nguồn cung cấp thiết yếu, các nhóm nhân quyền đã nêu lên mối lo ngại về một thảm họa nhân đạo tiềm tàng.
Việc di chuyển qua Rafah thường rất hạn chế; chỉ những người Gaza có giấy phép cũng như công dân nước ngoài mới có thể sử dụng nó để đi lại giữa Gaza và Ai Cập. Nhưng biên giới đã bị phong tỏa nghiêm ngặt trong những ngày gần đây.
Những nỗ lực của phương Tây nhằm mở lại cửa khẩu và sơ tán công dân của họ khỏi Gaza vẫn tiếp tục, với việc Nhà Trắng khuyên người Mỹ ở dải đất này di chuyển đến gần Rafah hơn trong trường hợp cửa khẩu được mở, nếu họ có thể di dời an toàn.
Trong khi đó, hàng trăm người Palestine có hộ chiếu nước ngoài đã đổ xô đến biên giới nhưng vẫn phải ngồi ngoài đường hàng giờ, quan chức biên giới Palestine cho biết.
“Thật không may, lối đi đã bị đóng. Không có lối thoát nào dành cho bất kỳ khách du lịch hoặc bất kỳ người Arab hoặc người nước ngoài nào từ Gaza”, quan chức này nói với CNN.
Trong khi đó, nguồn cung cấp nhân đạo đang đổ tới Ai Cập khi các nỗ lực ngoại giao tiếp tục huy động viện trợ cho người Palestine ở Gaza.
Ngoại trưởng Shoukry cho biết Ai Cập đã cố gắng vận chuyển viện trợ nhân đạo tới Gaza nhưng chưa nhận được sự cho phép thích hợp để làm điều đó.
Ai Cập hôm 15/10 cho biết họ sẽ tăng cường nỗ lực để cố gắng giúp đỡ các tổ chức cứu trợ cung cấp viện trợ cho Gaza khi cuộc khủng hoảng nhân đạo ở lãnh thổ này trở nên tồi tệ hơn, mặc dù một tuyên bố từ Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cho biết “an ninh quốc gia là ranh giới đỏ và không có sự thỏa hiệp nào trong vấn đề này”.