Sau Tunisia, “cách mạng hoa nhài” đã bùng phát ở Ai Cập với sự ra đi của Tổng thống Hosni Mubarak. Nhưng dân chủ ở Ai Cập giờ đây đã phát triển thành xung đột đẫm máu với tương lai mờ mịt.Quang cảnh ngổn ngang sau khi lực lượng an ninh Ai Cập trấn áp cuộc biểu tình ngồi ở Cairo hôm 14/8. Ảnh: AP. |
Ngày 14/8 vừa qua, lực lượng an ninh Ai Cập đã tiến hành trấn áp tại hai quảng trường mà Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi chiếm giữ. Xung đột đẫm máu đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của gần 600 người.
Hai hôm sau, vào “ngày thứ Sáu thịnh nộ”, 173 người khác cũng thiệt mạng. Con số thương vong chắc chắn sẽ chưa dừng lại bởi người biểu tình vẫn xuống đường, còn Chính phủ lâm thời Ai Cập do quân đội hậu thuẫn khẳng định sẽ đối phó với những người biểu tình bạo lực bằng tất cả các phương tiện cần thiết.
Thực tế cho thấy vào ngày 13/8, chính phủ lâm thời ở Ai Cập đã bổ nhiệm 19 tướng lĩnh quân đội làm tỉnh trưởng 19 tỉnh của nước này và thực hiện quân quản toàn quốc để dễ bề truy quét các phần tử MB chống đối. Do MB cũng gây phản cảm trong dân chúng Ai Cập và những người ủng hộ họ thuộc số ít, cho nên, phe quân đội cho rằng chỉ cần có thể khôi phục lại trật tự, sau đó toàn lực làm tốt công tác dân sinh, cuối cùng sẽ được người dân thông cảm và thấu hiểu.
Một vấn đề khác cản trở hai bên ngồi lại đàm phán cách thức chấm dứt tình trạng hiện nay là thiếu lòng tin. Theo tin từ giới ngoại giao, MB cũng có mong muốn thỏa hiệp: rút lực lượng khỏi các quảng trường đang chiếm giữ đổi lại việc phe quân đội thả một số lãnh tụ của MB đang bị giam giữ.
Nhưng phe quân đội lại cho rằng MB đang chuẩn bị cho cuộc chiến tiêu hao lâu dài, mưu đồ làm cho lực lượng quân cảnh mất kiểm soát, ra tay giết người, giúp họ xây dựng hình tượng “tử vì đạo”.
Hiện đã xuất hiện phân tích cho rằng phe quân đội đã lựa chọn con đường “thà chịu nỗi đau ngắn hạn còn hơn phải gánh nỗi buồn trăm năm”, nghĩa là tiếp tục ra tay trấn áp trong bối cảnh nhận được đa số ủng hộ của người dân. Vấn đề là nếu lệnh giới nghiêm kéo dài, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và phe quân đội không thể cải thiện dân sinh, tình trạng rối loạn không những không mất đi mà còn trở nên tồi tệ hơn ở vùng đất linh thiêng của các pharaon. Nhận định này không phải là không có cơ sở.
Chính phủ Ai Cập đang cân nhắc đặt MB ra ngoài vòng pháp luật. Nhưng đối với MB, việc này có thể không ảnh hưởng nhiều vì họ có kinh nghiệm đấu tranh bí mật lâu dài. Hầu hết thời gian trong lịch sử 85 năm của mình, MB hoạt động bí mật, liên tục bị truy quét dưới thời Tổng thống Mubarak. Chỉ tới khi ông Morsi trúng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống tự do đầu tiên của Ai Cập cách đây hơn một năm MB mới được hợp pháp hóa và lên nắm quyền.
Khi thiện ý bị khước từ, phe cứng rắn trong MB càng có lý do để tiếp tục đấu tranh bí mật. Việc họ hùng hồn tuyên bố “hãy đợi 20 năm nữa, chúng tôi sẽ lại là hảo hán” rõ ràng là muốn bắn đi thông điệp “không sợ đấu tranh đổ máu”. Hơn nữa, MB nhất định sẽ lợi dụng tình cảm bi phẫn trong tang lễ những người biểu tình thiệt mạng để tăng cường ý chí đấu tranh.
Lịch sử không thiếu ví dụ về việc lợi dụng thảm kịch để đạt được thắng lợi tương lai. Theo tờ “Tin tức Thế giới”, nổi tiếng nhất là vào năm 1916, lãnh tụ phong trào độc lập Ireland đã lợi dụng tang lễ nạn nhân bị quân Anh ở Ireland thảm sát tiến hành diễn thuyết, làm dấy lên tình cảm bi phẫn của người dân, đặt dấu mốc quan trọng cho phong trào độc lập Ireland. Việc Tổ chức Anh em Hồi giáo có làm điều tương tự hay không cũng sẽ tăng thêm biến số đối với khả năng Ai Cập rơi vào vòng xoáy rối loạn.
Thành Nam