Trong tuyên bố báo chí cùng ngày, SCA cho biết cơ quan này đã thực hiện hàng loạt biện pháp chủ động để đảm bảo an toàn hàng hải cao nhất. Liên quan tới vụ việc tàu container Ever Given bị mắc cạn trong kênh đào Suez, SCA đã xử lý sự cố trong khả năng của mình, huy động các tàu cuốc và tàu kéo, cũng như gần 600 nhân viên tham gia công tác giải cứu.
Người đứng đầu SCA Osama Rabei khẳng định đây là một vụ tai nạn bất ngờ, và SCA đã thành công trong nỗ lực giải cứu tàu mắc kẹt với thời gian "kỷ lục" mà không cần dùng đến các lựa chọn hoặc giải pháp có thể mất nhiều thời gian hay dẫn đến hư hỏng thân tàu hoặc hàng hóa. Hiện giao thông dọc theo kênh đào Suez đã trở lại bình thường.
Tuyên bố cho biết SCA có chiến lược phát triển kênh đào Suez, bao gồm thiết lập nhiều bến tàu khổng lồ dọc theo nhánh kênh mới được xây dựng vào năm 2015, cũng như đào sâu thêm và duy trì các bến tàu trên con kênh cũ, đồng thời phát triển 16 trạm giám sát hải trình. Cơ quan này cũng đang nỗ lực cải thiện khả năng cứu hộ hàng hải, sẵn sàng cung cấp nhiều tàu có sức kéo lớn để phù hợp với xu hướng đóng tàu khổng lồ trên toàn cầu.
Trước đó, tàu Ever Given, dài 400 m, đang trên hành trình từ Trung Quốc đến thành phố cảng Rotterdam của Hà Lan, đã chệch hướng và mắc cạn theo đường chéo khi nó đang đi qua kênh đào Suez vào ngày 23/3. Con tàu khổng lồ đã nằm chặn ngang tuyến đường thủy quan trọng này trong 6 ngày, khiến khoảng 422 tàu thuyền phải xếp hàng dài trên tuyến đường biển này hoặc neo chờ quá cảnh để qua kênh đào Suez.
Kênh đào Suez, được khánh thành năm 1869, là tuyến vận tải quan trọng đối với việc vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ. Theo SCA, khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua kênh đào Suez với tổng số 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa trong năm 2020.