Ai Cập rút ngắn lệnh giới nghiêm

Chính phủ lâm thời Ai Cập ngày 24/8 đã quyết định rút ngắn lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong bối cảnh bạo lực có dấu hiệu lắng dịu và các cuộc biểu tình của phe Hồi giáo không thu hút được nhiều người tham gia như mong đợi.   

Những người biểu tình hô khẩu hiệu ủng hộ ông Morsi tại Cairo ngày 17/8. Ảnh: Reuters.


Theo đó, lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài từ 21 giờ (19 giờ GMT) đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, song vẫn bắt đầu vào lúc 19 giờ như trước đây vào các ngày thứ Sáu - ngày nghỉ cuối tuần đầu tiên của các cơ quan hành chính Ai Cập và là thời điểm thường diễn ra các cuộc biểu tình.

Chính phủ lâm thời Ai Cập cho biết quyết định này được đưa ra nhằm "giảm gánh nặng và đáp ứng yêu cầu của người dân". Lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng đã được công bố hôm 14/8 tại 14 tỉnh, thành trên cả nước sau chiến dịch giải tán gây nhiều thương vong đối với hai cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.     

Cũng trong ngày 24/8, Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) dẫn đầu và quy tụ 33 chính đảng, phong trào Hồi giáo ủng hộ ông Morsi - tiếp tục kêu gọi một tuần biểu tình mới chống cuộc "đảo chính quân sự", bất chấp số lượng người tham gia các cuộc biểu tình trong những ngày gần đây sụt giảm mạnh và chiến dịch trấn áp mạnh tay đối với các thủ lĩnh của MB.    

Trong một tuyên bố, NASL khẳng định việc bắt giữ hàng loạt lãnh đạo của MB sẽ không làm suy yếu phong trào này, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục biểu tình "hòa bình" nhằm gây áp lực lên chính quyền lâm thời và đòi phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. Liên minh này cũng chỉ trích giới truyền thông "thiên vị" và không khách quan khi đưa tin về các cuộc biểu tình của phe Hồi giáo.   

MB bí mật đàm phán với chính phủ

Trong khi đó, nhật báo "Almasry Alyoum" dẫn một nguồn thạo tin cho biết MB đang tiến hành các cuộc đàm phán bí mật với chính phủ lâm thời song song với việc phát động các cuộc biểu tình đường phố. Nguồn tin tiết lộ rằng MB hiện đang theo đuổi hai kênh song song: đó là đàm phán với các lực lượng tự do và cánh tả nhằm đạt thỏa thuận để đệ trình lên quân đội, đồng thời đàm phán trực tiếp với các tướng lĩnh quân đội.

Theo đó, ông Mohamed Ali Beshr, cựu Bộ trưởng Phát triển địa phương và là thành viên của Văn phòng Hướng dẫn của MB, đã tiếp xúc với một số thủ lĩnh của phong trào đang bị truy nã hoặc đã bị bắt giam nhằm thống nhất quan điểm chung. Phái đoàn của MB đã tiến hành đàm phán với chính quyền, đồng thời liên lạc với nhà lãnh đạo của Mặt trận Cứu quốc (NSF - liên minh đối lập lớn nhất ở Ai Cập chống lại chính quyền Morsi trước đây) Mohamed Aboul Ghar nhằm thống nhất chương trình nghị sự giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trong khi đó, Thủ lĩnh tối cao của MB Mohamed Badie đã xúc tiến một sáng kiến khác từ nhà tù Tora, song không đạt kết quả do bị quân đội từ chối.   

Theo nhận định của các chuyên gia, sau các cuộc biểu tình thất bại trong những ngày vừa qua, hiện NASL và MB đang tập trung mọi nỗ lực cho cuộc biểu dương lực lượng lớn dự kiến diễn ra vào ngày 30/8 tới với hy vọng có thể làm thay đổi thế bế tắc hiện nay trong các cuộc đàm phán, đồng thời tạo thêm sinh khí cho làn sóng biểu tình của phe Hồi giáo đang có dấu hiệu đuối sức.    

Trong một diễn biến liên quan, sáng 24/8, các tay súng không rõ danh tính đã đụng độ với quân đội tại một khu dân cư ở tỉnh Bắc Sinai. Hãng thông tấn chính thức MENA cho biết đụng độ nổ ra khi các tay súng di chuyển bằng xe ô tô xả súng vào một trạm kiểm soát an ninh. Đồng thời, một nhóm chiến binh khác cũng nã đạn về phía lực lượng quân đội từ trong một ngôi trường nằm gần đó.

Tuy nhiên, không có ai thương vong trong các cuộc đấu súng này. Cùng ngày, lực lượng quân đội tiếp tục phá hủy các đường hầm buôn lậu nối Bán đảo Sinai của Ai Cập với Dải Gaza của Palextin.    

Trong khi đó, cảnh sát tiếp tục bắt giữ thêm một thủ lĩnh của MB. Theo nhật báo "Al Ahram", Mohey Hamed, thành viên của Văn phòng Hướng dẫn của phong trào này, đã bị bắt giữ trong một căn hộ ở quận Nasr City) phía Đông Bắc thủ đô Cairo và được chuyển ngay vào nhà tù Tora, địa điểm hiện giam giữ hàng trăm lãnh đạo và thành viên của MB.

Cùng ngày, cảnh sát đã bắt giữ 26 thủ lĩnh của MB khác liên quan đến các vụ đụng độ bạo lực hôm 23/8 tại thành phố Tanta, thủ phủ tỉnh miền Bắc Daqahliya, khiến 2 người thiệt mạng và ít nhất 25 người bị thương. Những người này bị cáo buộc kích động giết người, tham gia bao vây trụ sở các cơ quan nhà nước và các đồn cảnh sát.   

Trong một diễn biến khác, Văn phòng Tổng công tố Hesham Barakat đã nhận được hàng chục đơn kiện chống lại cựu Tổng thống Hosni Mubarak, vài giờ sau khi ông này được thả khỏi nhà tù và được quản thúc tại một bệnh viện quân y ở phía Nam Cairo.

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn một nguồn tin tư pháp cho biết các đơn kiện này tố cáo ông Mubarak - người từng đứng đầu Hội đồng Cảnh sát Tối cao - chịu trách nhiệm về các vụ tra tấn và vi phạm nhân quyền khác trong thời gian đương chức. Trong khi đó, Tổ chức Nhân quyền Ai Cập cũng kêu gọi mở một cuộc điều tra khẩn cấp đối với nhà cựu lãnh đạo 85 tuổi này.


TTXVN/Tin tức  
Rút viện trợ không làm giới tướng lĩnh Ai Cập thay đổi
Rút viện trợ không làm giới tướng lĩnh Ai Cập thay đổi

Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: "Cắt viện trợ sẽ không làm thay đổi một thực tế là nhà chức trách Ai Cập vẫn làm công việc mà họ đang làm hiện nay".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN