Kênh đào Suez đã ghi nhận mức doanh thu kỷ lục 9,4 tỷ USD trong tài khóa 2022-2023, trước khi cuộc xung đột ở Dải Gaza bắt đầu nổ ra vào ngày 7/10/2023, kéo theo các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ. Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cho hay doanh thu từ kênh đào Suez trong 3 tháng đầu năm nay đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bất chấp những nỗ lực của liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi, lực lượng Hồi giáo này vẫn không ngừng tấn công các tàu ở Biển Đỏ, đặc biệt là những tàu liên quan Israel, Mỹ và Anh. Căng thẳng ở Biển Đỏ đã khiến một số công ty vận tải chuyển hướng tàu khỏi kênh đào Suez sang tuyến vận tải biển đắt đỏ hơn và dài hơn quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi.
Phát biểu tại cuộc họp ngày 13/5 của Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách Hạ viện Ai Cập, ông Rabie cho biết tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ đã khiến 3.395 tàu chuyển hướng khỏi tuyến hàng hải qua kênh đào Suez. Ông Rabie lưu ý rằng tuyến vận tải biển thay thế quanh Mũi Hảo Vọng không chỉ dài hơn 10 ngày so với qua kênh đào Suez, mà còn phải đối mặt nạn cướp biển. Ông cho rằng trên thực tế không có giải pháp lý tưởng nào thay thế kênh đào Suez.
Doanh thu từ kênh đào Suez là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập, bên cạnh du lịch và kiều hối. "Đất nước Kim tự tháp" đã phải chật vật ứng phó tình trạng thiếu ngoại tệ khá nghiêm trọng trong 2 năm qua. Khó khăn về ngoại tệ đã dịu bớt nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ rót vào Ai Cập trong thời gian gần đây.
Trong một báo cáo mới đây, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) dự báo tổng doanh thu từ kênh đào Suez và ngành du lịch Ai Cập sẽ giảm đáng kể trong năm tài chính 2024-2025 do hậu quả xung đột ở Dải Gaza. UNDP ước tính tổng doanh thu từ kênh đào Suez và du lịch của Ai Cập sẽ giảm 9,9 tỷ USD trong các tài khóa 2023-2024 và 2024-2025 nếu xung đột tại Gaza diễn ra ở cường độ trung bình và giảm 13,7 tỷ USD nếu xung đột leo thang với sự can dự của các bên khác trong khu vực.