Ai đang hưởng lợi từ cuộc chiến cấm vận phương Tây-Nga?

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga mới đây được xem là khắc nghiệt nhất trong nhiều thập kỷ qua, đồng thời có thể khiến nền kinh tế của Moskva phải suy chuyển. Tuy nhiên mất mát của người này lại là thành công của người khác và trong thực tế sẽ có một số tập đoàn, quốc gia được hưởng lợi từ cuộc đấu này.

 

Tuần trước, EU chính thức thu hẹp khả năng “kiếm tiền” của các ngân hàng nhà nước hàng đầu của Nga tại thị trường châu Âu cũng như cắt giảm xuất khẩu các công nghệ kép (sử dụng cho mục đích dân sự và quân sự) và thiết bị phục vụ khai thác dầu sang Moskva. Ngay lập tức, chính quyền Tổng thống Putin đã đáp trả bằng cách cấm nhập khẩu thực phẩm của các nước EU, giáng một đòn trực tiếp vào mặt hàng hoa quả Ba Lan, thịt bò Tây Ban Nha và cải bắp của Hy Lạp.

 

Các chuyên gia nhận định nền kinh tế chung toàn cầu sẽ không nhận được lợi ích gì từ cuộc đấu kinh tế này nếu nó kéo dài. “Các biện pháp cấm vận không phải là một trò chơi thắng thua. Mọi bên đều mất mát”, ông Vyacheslav Smolyanivov, chuyên viên tư vấn tại Tập đoàn tư vấn tài chính UralSib Capital nhấn mạnh.

 

Ảnh minh họa.

 

Nhưng nếu cuộc chiến này xảy ra ngắn hạn, một số quốc gia sẽ được thu lợi điển hình như Hong Kong, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, các nhà chế tạo của Trung Quốc và thậm chí là các tập đoàn nội địa của Nga.

 

Tờ Moscow Times đã chỉ ra 5 lĩnh vực chịu tác động trực tiếp từ sự đáp trả trừng phạt giữa Nga và các nước phương Tây và những tập thể, quốc gia có thể hưởng lợi từ chúng.

 

1. Ngân hàng

 

Theo lệnh trừng phạt, các tổ chức tài chính và cá nhân ở Mỹ cũng như ở châu Âu bị cấm đem tài sản đến gửi tại 5 ngân hàng nhà nước của Nga - trong đó có 3 ngân hàng lớn nhất quốc gia là Sberbank, VTB vàGazprombank. Ngoại trừ Sberbank, 4 ngân hàng còn lại đều đã nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ từ trước đó cùng với hàng chục tổ chức tín dụng có mối liên hệ với Kremlin. 5 ngân hàng này đang ra sức trấn an khách hàng rằng họ sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng chắc hẳn các nguồn đầu tư và hoạt động gửi tiền vào các ngân hàng này sẽ có nguy cơ suy giảm.

 

Hưởng lợi: Hong Kong, Thổ Nhĩ Kỳ

 

Theo báo cáo, các công ty lớn của Nga như MegaFon và Norilsk Nickel đang tăng mua đồng đôla Hong Kong. Bởi lẽ đồng tiền này không chịu lệnh cấm vận của EU và luôn ổn định giá so với đồng USD nên đã trở thành loại tiền tệ để dự trữ lý tưởng trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.

 

 

Phải thừa nhận rằng, nhu cầu lớn bất ngờ của Nga đối với đồng đôla Hong Kong (HKD) đã đem lại sự thuận lợi cho phía Hong Kong, một trung tâm tài chính châu Á. Theo tạp chí Wall Street, từ tháng 7 vừa qua, chính quyền Hong Kong đã phải chi 8,4 tỷ USD để đảm bảo sự ổn định tỷ giá của đồng tiền nước này, hiện chính sách này của Hong Kong còn được thêm phần củng cố nhờ sức mua mạnh đồng tiền HKD từ phía Nga.

 

Chuyên gia Smolyaninov cho biết các quốc gia đang cạnh tranh với Nga về nguồn vốn ngoại tệ cũng sẽ được hưởng lợi trong sự kiện này khi các nhà đầu tư chuyển hướng sự dụng đồng tiền của họ khỏi thị trường Nga.

 

Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ. Nước này được xem là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi các nhà đầu tư rời bỏ Nga và chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm thị trường đầu tư mới.

 

2. Dầu và khí đốt

 

Mỹ và EU cấm các doanh nghiệp trong khu vực bán các thiết bị, linh kiện liên quan đến sản xuất, khai thác năng lượng cho Nga khi không được lệnh cho phép. Điều này có thể gây khó cho các dự án khoan thăm dò, khai thác khí đá phiến ở Bắc Cực và ở nước ngoài của Nga.

 

Hưởng lợi: Trung Quốc, các nhà sản xuất nội địa Nga

 

Các công ty thiết bị của Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu mua máy móc của Nga hiện nay, tuy nhiên lại không đảm bảo được yếu tố bản quyền thiết kế.

 

“Rất nhiều máy móc của Trung Quốc vi phạm bản quyền với thiết bị của Mỹ. Chẳng hạn như những chiếc iPhone nhái do Trung Quốc sản xuất có linh kiện giống hệt với nguyên bản Mỹ”, ông Andrei Korneyev, lãnh đạo Trung tâm vấn đề an ninh năng lượng thuộc Viện nghiên cứu Mỹ và Canada tại Moskva cho biết.

 

Hiện nay các thiết bị công nghiệp khai thác dầu do Nga tự sản xuất đã gần cạnh tranh được với các công ty khác trên thế giới. Tuy nhiên, để tạo ra những đột phá công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này ví dụ như khoan plasma, đòi hỏi phải có một chương trình nghiên cứu lâu dài và tốn kém hàng tỷ USD để xây dựng. Đây cũng chính là điều mà chính phủ Nga đang cố gắng.

 

3. Thực phẩm

 

Những biện pháp đáp trả của Nga (bao gồm việc cấm các quan chức EU tới Chechnya du lịch) được ban bố với Mỹ, Ukraine và nhiều nước thuộc EU, tập trung vào các sản phẩm từ sữa, hoa quả, rau củ và thịt bò.

 

Rau quả bày bán tại chợ ở Lille, miền bắc nước Pháp ngày 7/8. Ảnh: AFP-TTXVN

 

Hưởng lợi: Cả thế giới, nhưng không nhiều

 

Những cấm vận này của Nga đã được tính toán rất kỹ, chỉ xoay quanh các sản phẩm có thể thay thế dễ dàng. Đây là nhận định của ông Maxim Klyagin, nhà phân tích thị trường thực phẩm tại hãng đầu tư Finam Management.

 

Argentina và Brazil có thể thay thế nguồn cung thịt bò cho Nga, Belarus thay thế nguồn sản phẩm từ sữa. Gruzia cùng các quốc gia ở Trung Á và Trung Đông là thị trường rau quả dồi dào mới đối với Nga.

 

4. Công nghệ quân sự

 

Lệnh cấm xuất khẩu sang Nga của EU bao gồm các công nghệ kép được sử dụng trong hoạt động sản xuất dân sự lẫn quân sự. Theo đó, những thứ như laser, khoa học điện tử hàng không, các vật liệu tiên tiến và thiết bị điện tử để chế tạo vệ tinh sẽ không được bán cho Nga.

 

Hưởng lợi: Các nhà sản xuất nội địa Nga

 

Theo ông Alexander Khramchikhin, chuyên gia tại Viện phân tích chính trị và quân sự, Nga không có đối tác nào có thể thay thế được các nước phương Tây trong việc mua các thiết bị lưỡng dụng, kể cả Trung Quốc. Cách duy nhất là tự sản xuất. Về lý thuyết, Nga đủ khả năng để theo kịp phương Tây trong lĩnh vực này, nhưng điều đó cần thêm vài năm nghiên cứu và đầu tư quy mô lớn để có thể tự sản xuất được các thiết bị cảm biến, laser… Tuy nhiên, ông Khramchikhin từ chối đưa ra con số cụ thể về khoản thời gian và số tiền cần đầu tư cho lĩnh vực này.

 

Tàu vũ trụ chuẩn bị lắp ráp với trạm ISS.

 

5. Công nghệ vũ trụ

 

Mặc dù công nghệ vũ trụ không thuộc phạm vi lệnh cấm về sử dụng công nghệ lưỡng dụng nhưng Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn tuyên bố hạn chế các hợp đồng với đối tác Nga là Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) và kêu gọi ngừng sự phụ thuộc vào các chuyến bay tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) do Nga thực hiện. Trong khi đó, Roscosmos khẳng định sẵn sàng chấm dứt tham gia dự án ISS sau năm 2020.

 

Hưởng lợi: Không thay đổi

 

Theo ông Igor Marinin – Tổng biên tập tờ tạp chí Novosti Kosmonavtiki, mối quan hệ giữa Roscosmos với NASA và Cơ quan vũ trụ châu Âu ESA quá sâu rộng để có thể bị phá hủy bằng những lệnh trừng phạt. Sự nguội lạnh trong quan hệ với phương Tây có thể thúc đẩy Nga hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc, đối tác hàng không vũ trụ lớn duy nhất trên thế giới mà Moskva vẫn chưa hợp tác cùng.

 

Nhưng sự tăng cường hợp tác này sẽ không làm tổn hại tới mối quan hệ giữa Roscosmos với NASA và ESA, Marinin giải thích: “Mối quan hệ này rất chặt chẽ tới mức không bên nào muốn chấm dứt chỉ vì một vài lệnh cấm vận”.

 

Hoàng Trang (theo M.T)

Mỹ, châu Âu có lầm đường lạc lối khi trừng phạt Nga?
Mỹ, châu Âu có lầm đường lạc lối khi trừng phạt Nga?

Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh châu Âu cho rằng các biện pháp trừng phạt theo lĩnh vực mà Liên minh châu Âu và Mỹ áp đặt với Nga không chỉ không đạt được các mục đích họ đặt ra, mà ngược lại còn gây tổn hại cho kinh tế châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN