Sáng sớm ngày 15/5, tàu chở hàng Borkum đã dừng ngoài khơi bờ biển Tây Ban Nha, nán lại vùng biển cách Cartagena một khoảng cách ngắn. Tại cảng này, những người biểu tình vẫy cờ Palestine và kêu gọi chính quyền kiểm tra con tàu vì nghi ngờ chở vũ khí đến Israel.
Các thành viên cánh tả của Nghị viện châu Âu đã gửi một lá thư cho Tổng thống Tây Ban Nha Pedro Sánchez yêu cầu ngăn con tàu cập cảng.
“Cho phép con tàu chở đầy vũ khí đến Israel là cho phép quá cảnh vũ khí đến một quốc gia đang bị điều tra về tội diệt chủng đối với người dân Palestine”, nhóm các nghị sĩ cảnh báo.
Trước khi Chính phủ Tây Ban Nha đưa ra quyết định, tàu Borkum đã hủy chuyến dừng chân theo kế hoạch và tiếp tục đến cảng Koper của Slovenia.
Ông Inigo Errejon, người phát ngôn của đảng Sumar cực tả viết trên X, lập luận rằng quyết định bỏ qua cảng Cartagena của tàu Borkum đã xác nhận những nghi ngờ trên: “Chúng tôi đã đúng”.
Nhưng cuộc tranh luận về việc liệu tàu Borkum có nên được phép cập cảng ở Tây Ban Nha hay không, đã bỏ sót nguồn gốc không thể ngờ tới của hàng hóa trên con tàu này.
Theo các tài liệu mà Al Jazeera tiếp cận được, con tàu chứa thuốc nổ từ Ấn Độ và đang trên đường đến cảng Ashdod của Israel, cách Dải Gaza khoảng 30 km. Các trang web theo dõi trên biển cho thấy con tàu khởi hành từ Chennai ở đông nam Ấn Độ vào ngày 2/4 và đi vòng qua châu Phi để tránh đi qua Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi của Yemen đang tấn công các tàu để trả đũa cho cuộc chiến của Israel.
Tài liệu cũng hé lộ tàu Borkum chở 20 tấn động cơ tên lửa, 12,5 tấn tên lửa có thuốc nổ, 1.500 kg chất nổ và 740 kg thuốc nổ và thuốc pháo. Một đoạn trong tài liệu cũng cho biết tất cả nhân viên, cố vấn hoặc các bên liên quan khác đều được yêu cầu trong mọi trường hợp, họ không được nêu tên công ty quốc phòng IMI Systems hoặc Israel.
Tuy nhiên, nhà quản lý thương mại của tàu Borkum, công ty MLB Manfred Lauterjung Befrachtung của Đức, tuyên bố rằng con tàu không chở bất kỳ vũ khí hoặc bất kỳ hàng hóa nào đến đích là Israel.
Ngày 21/5, tàu chở hàng thứ 2 rời Ấn Độ đã bị từ chối nhập tại cảng Cartagena. Tờ El Pais của Tây Ban Nha đưa tin tàu Marianne Danica đã rời cảng Chennai của Ấn Độ và đang trên đường đến cảng Haifa của Israel với một lô hàng gồm 27 tấn thuốc nổ.
Ngoại trưởng Jose Manuel Albares đã xác nhận trong một cuộc họp báo rằng con tàu đã bị từ chối nhập cảnh vì vận chuyển hàng hóa quân sự đến Israel.
Những tiết lộ này đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy Ấn Độ đang âm thầm vận chuyển các bộ phận vũ khí đến Israel trong cuộc chiến kéo dài nhiều tháng đang diễn ra ở Gaza.
Ông Zain Hussain, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cho hay việc thiếu thông tin xác minh khiến nỗ lực xác định liệu các vụ chuyển giao có diễn ra hay không trở nên khó khăn.
Theo ông Hussain, mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Israel đã diễn ra trong một vài năm nay, do đó việc một số bộ phận vũ khí sản xuất tại Ấn Độ được Israel sử dụng trong cuộc chiến ở Gaza không phải không thể xảy ra.
Vũ khí “sản xuất tại Ấn Độ”
Hôm 6/6, sau khi Israel ném bom vào trại tị nạn Nuseirat ở Gaza, Quds News Network đã công bố một đoạn video cho thấy mảnh tên lửa trên máy bay chiến đấu Israel rơi xuống. Trong đó, có một bộ phận ghi dòng chữ: “Sản xuất tại Ấn Độ”.
Ông Hussain, nhà nghiên cứu về vấn đề chuyển giao vũ khí thông thường tại SIPRI, cho biết đoạn video này cần được điều tra thêm nhưng ông nhận thấy mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Israel chủ yếu xoay quanh sản xuất tên lửa, đặc biệt là tên lửa đất đối không Barak.
Theo SIPRI, Công ty Premier Explosives Limited của Ấn Độ sản xuất nhiên liệu rắn (một phần quan trọng của động cơ tên lửa) cho tên lửa MRSAM và LRSAM. Đây là loại tên lửa đất đối không tầm trung và tầm xa Barak do Israel thiết kế.
Hồi tháng 3, Giám đốc điều hành của công ty, T Chowdary, đã thừa nhận hoạt động xuất khẩu sang Israel trong cuộc xung đột ở Gaza. Vào thời điểm đó, ông Chowdary đã giới thiệu Premier Explosives Limited là công ty Ấn Độ duy nhất chuyên xuất khẩu động cơ tên lửa lắp ráp hoàn chỉnh. Ngoài ra, ông cho biết công ty đã bắt đầu sản xuất mìn, đạn dược và bắt đầu xuất khẩu thuốc nổ RDX và HMX, thường được sử dụng trong các hệ thống vũ khí quân sự.
Premier Explosives chưa trả lời yêu cầu bình luận của Al Jazeera.
Theo SIPRI, các bộ phận vũ khí do Ấn Độ sản xuất có thể được sử dụng cho tên lửa Barak sau đó cũng được Israel tái xuất khẩu.
Sản xuất UAV
Ngoài ra, Ấn Độ và Israel còn hợp tác trong lĩnh vực sản xuất thiết bị bay không người lái (UAV).
Tháng 12/2018, Adani Defence & Aerospace – một nhánh quốc phòng của Công ty cổ phần đa quốc gia Ấn Độ Adani Enterprises Ltd, và Elbit Systems của Israel đã khánh thành Tổ hợp UAV Adani Elbit tại Hyderabad.
Cơ sở này là cơ sở đầu tiên bên ngoài Israel sản xuất UAV tầm trung Hermes 900, có thể bay trong tối đa 36 giờ ở độ cao 9.000 mét.
“Việc sản xuất UAV Hermes mang ý nghĩa quan trọng đối với Ấn Độ cũng như đối với Israel. Đối với Israel, điều đó có nghĩa là họ có một nhà máy ngoài nước. Đối với Ấn Độ, đó là về mặt chuyển giao công nghệ, họ cũng có thể sản xuất UAV dựa trên mẫu của Israel”, ông Hussain nhận định.
Ông Hussein của SIPRI cho biết: “Nếu thấy thiết bị bay không người lái Hermes được sử dụng ở Gaza, thì chúng không nhất thiết phải đến từ Ấn Độ, vì Israel cũng tự sản xuất chúng”.
Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng Ấn Độ đã bắt đầu xuất khẩu UAV theo các điều khoản của thỏa thuận và chúng đang được sử dụng ở Dải Gaza.
Trong khi đó, Elbit Adani Group cho biết công ty đã xuất khẩu một lô hàng UAV nhỏ cho các hoạt động phi chiến đấu.
“Chúng tôi nhắc lại rằng những chiếc UAV được chế tạo để giám sát và trinh sát và không được sử dụng cho mục đích tấn công. Chúng tôi phủ nhận hoàn toàn việc xuất khẩu bất kỳ UAV nào sang Israel kể từ ngày 7/10/2023”, công ty này tuyên bố.
Hành động cân bằng của Ấn Độ
Ấn Độ đã theo đuổi hành động cân bằng lâu dài trong mối quan hệ với Israel. New Delhi đã coi mình là nhà hòa giải và trung gian trong cuộc xung đột ở Gaza, kêu gọi hòa bình và ủng hộ các lệnh ngừng bắn và yêu cầu Hamas trả tự do cho các con tin bị giam giữ ở Gaza.
Nhìn rộng hơn, các quan chức Ấn Độ, từ Thủ tướng Narendra Modi đến Bộ trưởng Ngoại giao S Jaishankar và các nhà ngoại giao của nước này tại Liên hợp quốc, luôn nhấn mạnh nước này tin rằng đối thoại và đàm phán, chứ không phải chiến tranh, là phương tiện duy nhất để giải quyết xung đột. Đó là lập trường chính thức của Ấn Độ khi nhắc đến cuộc chiến của Israel ở Gaza.
Ông Nicolas Blarel, tác giả của cuốn The Evolution of India's Israel Policy, nói: “Song các báo cáo cho rằng Ấn Độ đang cung cấp vũ khí cho Israel có thể phá vỡ câu chuyện đó”.
Ấn Độ công nhận nhà nước Israel vào năm 1950, chỉ hai năm sau khi thành lập, nhưng đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1992 sau nhiều thập kỷ theo đuổi chính sách không liên kết và ủng hộ Arab. Năm 1974, Ấn Độ trở thành quốc gia phi Arab đầu tiên chấp nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện hợp pháp của người dân Palestine và công nhận Nhà nước Palestine vào năm 1988.