Al-Qaeda và nỗi lo lu mờ vì IS

Nếu có một người có mối quan tâm đặc biệt với những gì mà Tổng thống Mỹ đã phát biểu trên kênh truyền hình ngày 10/9 (giờ địa phương) hơn phần lớn những người còn lại, ắt hẳn đó phải là kẻ đứng đầu tổ chức khủng bố al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu được truyền hình trên toàn quốc ngày 10/9, công bố kế hoạch toàn diện chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ảnh: AFP-TTXVN


Tại một nơi lẩn trốn nào đó của mình ở Pakistan hay Afghanistan, al-Zawahiri có thể đã hy vọng rằng Tổng thống Mỹ sẽ lập ra một kế hoạch để hủy diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhóm đã làm lu mờ al-Qaeda và khiến al-Zawahiri có vẻ như trở thành kẻ đứng ngoài cuộc chơi khủng bố. Và nếu đã theo dõi bài phát biểu của vị Tổng thống Mỹ, hẳn al-Zawahiri cũng đã lấy làm hỉ hả.

Al-Zawahiri và bộ sậu của al-Qaeda, một cách không mong muốn, đã bị khóa chân trong cuộc chiến với IS để giành giật vị trí lãnh đạo phong trào Jihad toàn cầu bởi hai tổ chức khủng bố có tầm nhìn và chiến lược rất khác nhau. Hồi tháng hai, IS đã bị khai trừ khỏi al-Qaeda sau khi từ chối mệnh lệnh của al-Zawahiri rằng al-Qaeda yêu cầu hạn chế các hoạt động của IS tại Iraq.

Với việc theo đuổi sứ mệnh thành lập một nhà nước Hồi giáo theo một cách thức vô cùng tàn bạo cũng như chiếm được những vùng lãnh thổ rộng lớn và sở hữu cỗ máy tuyên truyền máu lạnh, IS đã khiến một thế hệ các phiến quân Jihad mới, trải dài từ các quốc gia Arab cho đến châu Âu, phải để mắt đến mình.

Cách hành xử tàn bạo của IS với các nhóm người cả Hồi giáo và không theo Hồi giáo, không có cùng cách hiểu cứng nhắc về Hồi giáo như lực lượng này, không hề lạc phách với tiền thân của tổ chức này, al-Qaeda tại Iraq, lực lượng đã chọc giận cố thủ lĩnh al-Qaeda, Osama bin Laden vì tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào người Hồi giáo dòng Shiite và dòng Sunni ôn hòa.

Trên tờ Foreign Affairs số ra hồi tháng sáu, nhà phân tích Barak Mendelsohn đã viết: Nói một cách ngắn gọn, việc IS “thơ thẩn đi qua Iraq tượng trưng cho một cú chấn động mạnh về mặt tổ chức, chiến lược cũng như hệ tư tưởng nhằm vào al-Qaeda”.

Dẫu vậy, cho đến nay, lãnh đạo của các nhánh của al-Qaeda vẫn duy trì sự trung thành (kể cả là không thật sự tận tâm) với al-Zawahiri. Sau cái chết của thủ lĩnh Ahmad Abdi Godane vào tuần trước, nhóm khủng bố ở Somalia, Al-Shabaab đã nhanh chóng nhắc lại sự trung thành với nhà lãnh đạo của al-Qaeda, và Nasir al-Wuhayshi, nhân vật quan trọng số hai của al-Qaeda, vẫn nắm quyền của tổ chức khủng bố này ở bán đảo Arab (AQAP).

Trong khi đó, các nhà thuyết giáo lỗi lạc của phiến quân Jihad như Abu Muhammad al Maqdisi và Abu Qatada cũng đã gọi IS là những kẻ lầm đường lạc lối.

Sự “quyến rũ chết chóc” của IS

Tuy nhiên, không phải thành viên nào của phiến quân khủng bố cũng phản ứng lại một cách “thiếu thiện chí” như vậy với sự xuất hiện của IS. Với thế hệ trẻ trong lực lượng phiến quân Jihad, có vẻ như những hành động của IS là những thứ “dễ tiêu” và “hấp dẫn” hơn những bài thuyết giáo.

Người dân Iraq đưa xác 35 nạn nhân lên khỏi hố chôn tập thể ngày 5/9 tại khu vực vừa giành lại được từ tay IS. Ảnh: AFP-TTXVN


Các chiến binh trên bộ của al-Qaeda, từ Yemen, Libya cho đến Saudi Arabia hay bất kì nơi nào khác trên thế giới, đang hướng đến thứ tiêu chuẩn của IS. Với các phần tử này, thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của IS là người đang chiến đấu chống những kẻ bỏ đạo và xây dựng một nhà nước Hồi giáo, trong khi thủ lĩnh al-Zawahiri là người chỉ ra rả thuyết giảng.

Việc đánh giá quy mô của cuộc “di cư” về mặt tư tưởng bên trong các phần tử khủng bố này là điều không thể. Nhưng trong tuần trước, một nhóm tự xưng là Những người ủng hộ của IS ở Yemen đã đăng tải một đoạn video thể hiện lòng trung thành với al-Baghdadi, ca tụng tên này là “Caliph (người đứng đầu) của người Hồi giáo… chiến binh Hồi giáo đi đầu trong cuộc chiến chống Mỹ”.

Ngay cả AQAP, nhánh hoạt động hiệu quả nhất của al-Qaeda, cũng đã thể hiện tinh thần đoàn kết với các chiến binh IS, chỉ trích cái mà nhóm này gọi là “tuyên bố chiến tranh” của Mỹ với người Hồi giáo ở Iraq, đồng thời kêu gọi “tất cả các nhóm Hồi giáo hỗ trợ những người anh em bằng cách chống Mỹ”.

Cục diện ảm đạm của al-Qaeda

Trái với sự hầm hố của IS, đã từ lâu trung tâm al-Qaeda chưa tiến hành bất kì cuộc tấn công nào đáng chú ý. Bốn năm trước, trong một tài liệu chiến lược của mình, tổ chức khủng bố này đã vạch ra những ý tưởng tấn công các mục tiêu như tàu du lịch, đập nước, những cây cầu cũng như máy bay. Nhưng kể từ đó đến nay, gần như chỉ có các cuộc tấn công nhỏ lẻ của các phần tử ái mộ al-Qaeda diễn ra.

Trong khi đó, các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu chính phủ, ngoại giao và quân sự của Mỹ tại Afghanistan phần lớn là tác phẩm của lực lượng Taliban và mạng lưới Haqqani, cho dù sự thật là các chiến binh al-Qaeda cũng có dây mơ rễ má với các nhóm này.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều nhánh của al-Qaeda đã bị buộc phải chuyển sang thế phòng ngự trong những năm qua. Và việc Pháp cách đây không lâu đưa quân can thiệp tại Mali cũng đã đẩy lui các nhóm có liên hệ với tổ chức khủng bố này.

Tuy vậy, al-Qaeda vẫn còn những thành trì nơi các lực lượng ủng hộ vẫn đang tích cực hoạt động và lớn mạnh. Đó là những đông Libya, Syria và bán đảo Sinai ở Ai Cập, những địa điểm mà các nhóm khủng bố này tìm thấy không gian sinh tồn từ sự sụp đổ của chính quyền nhà nước. Tuy nhiên, ngay cả trong những sự kiện này, thay vì nhận lấy vai trò lãnh đạo phong trào, al-Zawahiri có vẻ lại giống như một kẻ đứng đầu đội cổ vũ.

Trong tuần trước, trong một nỗ lực nhằm lấy lại thanh thế của mình, thủ lĩnh của al-Qaeda đã tuyên bố sự ra đời của nhóm al-Qaeda ở tiểu lục địa Ấn Độ do tên Asim Umar cầm đầu. Nhóm này sẽ bao gồm ít nhất một phần của lực lượng Taliban ở Pakistan. Theo một bản dịch của Viện SITE (tổ chức nghiên cứu các hoạt động của khủng bố), người phát ngôn của nhóm trên, Usama Mahmoud cho biết những mực đích căn bản của nhóm này bao gồm Jihad chống Mỹ, hỗ trợ Talian và thiết lập một nhà nước Hồi giáo (hoàn toàn bác bỏ nhà nước Hồi giáo tự xưng của al-Baghdadi).

Tuyên bố trên đã nâng cấp cuộc chiến tư tưởng giữa al-QaedaIS về cách thức để đạt được giấc mơ một Nhà nước Hồi giáo nhận được sự trung thành của người Hồi giáo trên khắp thế giới. Trước mắt, Al-Zawahiri có thể đang trông chờ vào việc Mỹ rút phần lớn lực lượng khỏi Afghanistan, bởi đây có thể là cơ hội tốt nhất để xoay vần vận mệnh của al-Qaeda dưới sự hoành hành của IS trong thế giới khủng bố.


Anh Tiếu (Theo CNN)

IS - hậu quả khủng khiếp từ sự can thiệp Trung Đông của Mỹ
IS - hậu quả khủng khiếp từ sự can thiệp Trung Đông của Mỹ

Vụ nhà báo Mỹ Steven Sotloff mới đây bị giết hại, xảy ra sau vụ nhà báo James Foley bị hành quyết, đã khiến hàng triệu người trên toàn thế giới phẫn nộ. Hành động dã man này là một biểu hiện mới về tính chất tàn bạo của IS, một trong những hậu quả khủng khiếp từ cuộc can thiệp Trung Đông của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN