Tính tới ngày 15/9, bang Kerala đã ghi nhận tổng cộng 6 trường hợp nhiễm virus Nipah ở thành phố Kozhikode. Trước tình trạng này, giới chức địa phương đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây lan. Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) đã giao kháng thể chống virus Nipah theo yêu cầu của chính quyền bang Kerala.
Một nhóm gồm 5 chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh quốc gia, Bệnh viện RML và NIMHANS đã tới Kerala để nắm bắt tình hình và hỗ trợ chính quyền bang quản lý tình trạng nhiễm virus Nipah. Phòng thí nghiệm di động mBSL-3 của ICMR sẽ giúp xét nghiệm và phát hiện sớm ca nhiễm ở cấp địa phương.
Hôm 14/9, lãnh đạo cơ quan y tế bang Kerala, bà Veena George cho biết đang tiến hành xét nghiệm ở người, đồng thời cử các chuyên gia đi lấy mẫu chất lỏng từ các khu rừng - nơi khả năng là “điểm nóng” phát tán virus.
Các mẫu nước tiểu của dơi, phân động vật và trái cây ăn dở đã được thu thập từ làng Maruthonkara, nơi bệnh nhân đầu tiên sinh sống và gần khu rừng rộng hơn 120 ha vốn là nơi cư trú của một số loài dơi. Trước đó, dơi ăn quả từ khu vực này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Nipah trong đợt đầu tiên bùng phát bệnh tại bang Kerala vào năm 2018.
Theo giới chuyên gia, hiện chưa có vaccine để ngăn ngừa hoặc chữa khỏi bệnh do lây nhiễm virus Nipah. Tỷ lệ tử vong là khoảng 70% nếu bị lây nhiễm virus.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết những người nhiễm bệnh ban đầu sẽ có các triệu chứng như sốt, suy hô hấp, đau đầu và nôn mửa. Trường hợp nặng có thể xảy ra viêm não, co giật dẫn đến hôn mê.
Virus Nipah được phát hiện lần đầu vào năm 1990 trong đợt bùng phát dịch bệnh ở những người nuôi lợn và những cá nhân tiếp xúc gần động vật tại Malaysia và Singapore. Đáng chú ý, đợt bùng phát virus Nepah đầu tiên ở Kerala đã khiến 21 người tử vong trong số 23 người mắc bệnh.
Virus Nipah nằm trong danh sách của WHO về các mầm bệnh có nguy cơ gây dịch bệnh. Mục đích của việc lập danh sách này là nhằm định hướng nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị, đặc biệt là phát triển vaccine.